Đồng bằng sông Cửu Long: Triển vọng cho trái xoài

Thời gian gần đây, trái xoài của các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ liên tục được xuất khẩu sang những thị trường khó tính, như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Nga, Singapore và Trung Quốc... Phía sau những kết quả này là nỗ lực, công sức và tâm huyết của người nông dân bền bỉ thực hiện theo các tiêu chuẩn xuất khẩu để hướng đến phát triển ổn định, bền vững.

Bước ngoặt mới

Với diện tích hơn 2.100ha xoài các loại, trong đó xoài da xanh chiếm hơn 1.000ha, thời gian qua, nông dân và ngành chức năng huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ luôn phải đau đầu vì thường xuyên phải "giải cứu" về giá cả. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực bền bỉ từ các bên liên quan, trong đó phải kể đến sự quyết tâm, kiên trì của người nông dân, giữa tháng 6-2024, hai tấn xoài da xanh đầu tiên của huyện Cờ Đỏ đã được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Australia và Hoa Kỳ bằng đường hàng không. Nhìn những quả xoài tượng da xanh được doanh nghiệp bọc giấy, đóng thùng cẩn thận, anh Đào Hoàng Tín, chủ nhân của số nông sản được xuất ngoại lần này không giấu được niềm vui.

Anh Tín bộc bạch: “Lô xoài tượng da xanh được doanh nghiệp thu mua với giá 25.000 đồng/kg, cao hơn giá bán cho thương lái khoảng 10.000 đồng/kg. Để quả xoài đạt chuẩn xuất khẩu thì phải chăm sóc kỹ, lựa chọn những quả đẹp, đều, không vết trầy xước và đạt kích cỡ quy định (0,6-1,1kg/trái). Tuy yêu cầu khắt khe hơn bán xô cho thương lái nhưng bù lại giá bán cao và nâng tầm được quả xoài tượng da xanh. Chúng tôi kỳ vọng sau lô xoài tượng da xanh được xuất khẩu lần này, sẽ có nhiều lô xoài tiếp tục vươn khỏi thị trường nội địa. Từ đó nâng giá trị quả xoài của Cần Thơ và tăng thu nhập cho người nông dân”.

Sau hơn 10 năm nỗ lực đàm phán, trước đó, 7 tấn xoài tượng da xanh của huyện Chợ Mới (An Giang) đã được xuất chính ngạch sang thị trường Australia và Hoa Kỳ cuối tháng 1-2024. Đến đầu tháng 2 và 3-2024, nông dân huyện cù lao Chợ Mới và An Phú (An Giang) tiếp tục đón tin vui khi 13 tấn xoài hạt lép và 18 tấn xoài keo được xuất khẩu sang Hàn Quốc.

Ông Cù Minh Trọng, Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới, cho biết: “Thời gian qua, huyện Chợ Mới đã mạnh dạn đột phá trong sản xuất nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Người nông dân đã nỗ lực tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn để bảo đảm chất lượng sản phẩm. Về phía doanh nghiệp đã nỗ lực hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật, hướng canh tác sạch, bảo đảm chất lượng sản phẩm, đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu vào những thị trường khó tính. Phía ngành nông nghiệp cũng nỗ lực hỗ trợ nông dân cũng như kiểm tra, giám sát và hướng dẫn người dân bảo đảm các yêu cầu về mã số vùng trồng và tiêu chuẩn của nước nhập khẩu”.

 

Lô xoài tượng da xanh đầu tiên của huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ xuất khẩu sang Australia và Hoa Kỳ vào giữa tháng 6-2024.

Liên tục nâng cấp để đáp ứng thị trường ngày càng khó tính

Thực tế thời gian qua có nhiều loại xoài, như: Xoài tượng da xanh, xoài tượng da vàng, xoài cát Hòa Lộc... cũng đã xuất khẩu thành công. Tuy nhiên, chủ yếu tập trung xuất khẩu nhiều vào một số thị trường tại châu Á, nhất là thị trường Trung Quốc. Do vậy, khi trái xoài được xuất khẩu thành công vào các thị trường khó tính đã tạo thêm cơ hội cho loại trái cây này và tạo động lực cho bà con nông dân. Song, chinh phục thị trường đã khó, giữ được càng khó hơn gấp nhiều lần.

Theo bà Nguyễn Tú Uyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ vận chuyển CMU Logistics, để trái xoài chinh phục được khách hàng và giữ vững thị trường thì yếu tố cần phải chú trọng là vận chuyển và bảo quản. “Từ vườn đến cơ sở đóng gói, đơn vị xử lý kiểm dịch thực vật, cũng như quá trình vận chuyển xuất khẩu, trái xoài phải đi qua rất nhiều công đoạn khác nhau. Do đó, ở mỗi công đoạn, sản phẩm phải được xử lý, bảo quản đúng cách để có được chất lượng tốt nhất. Ví dụ, tại vườn, sau khi thu hoạch, trái xoài phải được chứa trong các sọt nhựa đúng chuẩn, tức là phần tiếp xúc giữa sọt với bề mặt trái không gây ra các tác động ảnh hưởng chất lượng sản phẩm”, bà Uyên dẫn chứng.

Cùng với bảo quản và vận chuyển, hầu hết các thị trường nhập khẩu trái cây tươi đều có yêu cầu cao về sản phẩm. Ví như thị trường Liên minh châu Âu (EU) đòi hỏi rất khắt khe về truy xuất nguồn gốc và các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, đặc biệt là an toàn, vệ sinh thực phẩm. Ủy ban châu Âu (EC) thường xuyên thay đổi, cập nhật liên quan đến mức dư lượng tối đa thuốc trừ sâu, nhất là đối với các sản phẩm như trái cây tươi và đông lạnh....

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết: “Yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng, bao bì đóng gói của thị trường nhập khẩu ngày càng cao. Do đó, chủ sở hữu các vùng trồng và cơ sở đóng gói phải tuân thủ quy trình kiểm soát chất lượng, kiểm tra ngẫu nhiên các lô hàng trước khi chuyển tới nhà đóng gói hoặc trước khi xuất xưởng. Đồng thời, tổ chức tốt chuỗi liên kết sản xuất thực chất từ vùng trồng, cơ sở đóng gói, cơ sở xử lý kiểm dịch thực vật, xuất khẩu để tạo ra sản phẩm chất lượng”.

Ở góc độ doanh nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh các giải pháp xây dựng vùng nguyên liệu, ngành nông nghiệp nên có giải pháp giám sát chặt chẽ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên trái xoài, nhất là rà soát, đưa ra tiêu chuẩn về việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

Nói về trường hợp thực tế tại doanh nghiệp mình, bà Đinh Kim Nhung, Giám đốc Công ty TNHH Kim Nhung Đồng Tháp cho biết, tháng 2-2022, Công ty xuất khẩu 5 tấn xoài sang thị trường Australia. Trước khi xuất hàng, doanh nghiệp đã thực hiện đầy đủ các yêu cầu trong nước về kiểm tra chất lượng sản phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, đến thị trường xuất khẩu, sau 3 lần kiểm tra, phía đối tác cho biết lô hàng bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật và buộc phải tiêu hủy, gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. Thiệt hại đã xảy ra, nhưng điều lo lắng nhất của doanh nghiệp là về lâu dài, các đối thủ sẽ lợi dụng tình hình này gây ảnh hưởng đến uy tín của trái xoài Việt Nam.

“Để hạn chế tình trạng này tiếp diễn, tới đây, ngành nông nghiệp nên cập nhật, đưa ra tiêu chuẩn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên trái xoài của Việt Nam phù hợp với tiêu chuẩn của quốc tế. Từ đó, xây dựng các mô hình, hướng dẫn nông dân sản xuất an toàn, rải vụ để xoài Việt Nam bảo đảm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang các nước”, bà Nhung đề xuất.

Việc trái xoài của Đồng bằng sông Cửu Long được xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường khó tính mới chỉ là bước đầu. Đã có những bài học về trái cây xuất ngoại chưa được bao lâu đã phải lui về nước vì tư duy “ăn xổi ở thì”. Tham vọng của người nông dân và chính quyền, doanh nghiệp là sự lâu dài, bền vững. Để đạt được điều đó, đòi hỏi người sản xuất phải tự thay đổi tư duy, tập quán sản xuất cho phù hợp với nhu cầu thị trường. Doanh nghiệp phải đặt chữ tâm và tín lên hàng đầu trong kinh doanh, còn ngành chức năng phải thể hiện vai trò của cơ quan quản lý, cầu nối và định hướng thị trường... Có như vậy, trái xoài nói riêng và các loại nông sản khác nói chung mới thực sự chinh phục được thị trường.

Bài và ảnh: THÚY AN

Lượt xem: 6
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...