Doanh nghiệp vừa và nhỏ căng mình để “trụ”
Những doanh nghiệp vừa và nhỏ đã và đang đóng góp rất nhiều cho việc phát triển kinh tế nói chung và tại TP Hồ Chí Minh nói riêng. Họ được đánh giá là nguồn nội lực mạnh trong việc phát triển. Tuy nhiên, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay, để duy trì được hoạt động của mình, họ cũng đang phải vật lộn để tìm giải pháp duy trì hoạt động kinh doanh.
Giảm quy mô để tồn tại
“Chúng tôi hiện đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục pháp lý để giải thể một doanh nghiệp. Trước mắt, để trụ vững được thì buộc phải cắt giảm những loại hình đang rơi vào khủng hoảng, tái cấu trúc lại hoạt động, dồn sức cho một nơi.
Hy vọng sắp tới mọi việc sẽ ổn hơn”, mở đầu câu chuyện, ông Nguyễn Tấn Tài, Giám đốc Công ty TNHH MTV ATC, thành viên Chi hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ phường Tam Bình, TP Thủ Đức chia sẻ.
Theo lời ông Tài, Chi hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ phường Tam Bình là một trong 2 Chi hội của TP Thủ Đức, được thành lập vào tháng 6/2024 với khoảng 20 thành viên. Tuy nhiên, đến thời điểm này do gặp nhiều khó khăn trong hoạt động nên đã có vài thành viên xin rút tên khỏi Chi hội.
Trung tâm Tổ chức sự kiện thuộc Công ty X của ông Nguyễn Tấn Tài đang cố gắng bước vào giai đoạn hoạt động cuối năm |
Trong hai công ty mà ông Tài thành lập, hoạt động chủ yếu lĩnh vực F&B (Food and Beverage). Đối diện với suy thoái kinh tế, hoạt động kinh doanh của cả hai công ty đều suy giảm, khách hàng thắt chặt chi tiêu khiến doanh thu tụt giảm nghiêm trọng. Thêm vào đó, các chính sách an sinh xã hội được thực thi nghiêm ngặt về nồng độ cồn, khách hàng chưa kịp thích nghi nên ảnh hưởng lớn đến việc kinh doanh.
“Thật ra việc kiểm soát chặt nồng độ cồn, đảm bảo an toàn trong giao thông là điều cần thiết, chúng tôi toàn tâm ủng hộ chính sách này. Do thời điểm áp dụng lại rơi đúng vào thời điểm suy thoái nên khó chồng khó”, ông Tài nói.
Áp lực trước thực tế hoạt động kinh doanh không hiệu quả, chi phí nhân công cao, khiến công ty lâm vào tình cảnh khó khăn. Để có thể duy trì tiếp hoạt động, ông Tài quyết định giải thể công ty ATC, dồn toàn bộ nội lực vào Công ty Cổ phần X - chuyên về hoạt động kinh doanh ăn uống, giải trí.
Một góc cửa hàng phục vụ ăn uống của Công ty X |
“Thực tế khó khăn khiến không ít doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực F & B đang phải thu dần hoạt động của mình. Việc giải thể công ty nghe thì đơn giản nhưng đưa ra quyết định không dễ vì việc ngưng hoạt động sẽ ảnh hưởng đến công ăn việc làm của người lao động, pháp lý giải thể…
Do mỗi công ty có văn hóa hoạt động riêng nên khi gom về một nơi còn phải tính đến chuyện làm sao để người lao động làm quen phù hợp với văn hóa chung. Rồi phải tính đến chuyện bố trí nhân sự đối với các bộ phận sao cho hài hòa để phát triển”, ông Tài bộc bạch.
Cũng theo ông Tài, trong giai đoạn hiện nay, việc sắp xếp bộ máy hoạt động đang đi dần vào ổn định. Người lao động đang dần thích nghi với mô hình mới và doanh nghiệp đang xây dựng chiến lược kinh doanh cho hoạt động cuối năm.
“Chúng tôi hy vọng cuối năm sẽ ổn định để tiếp tục duy trì hoạt động của công ty. Kinh doanh hiệu quả đợt cuối năm sẽ tạo nội lực để doanh nghiệp tiếp tục duy trì và phát triển trong thời gian tới”, ông Tài hy vọng.
Doanh nghiệp nhỏ ngồi “mong” doanh nghiệp lớn ký hợp đồng
Việc các doanh nghiệp có quy mô lớn bị ảnh hưởng bởi cơn suy thoái có thể dễ thấy qua việc cắt giảm lao động số lượng lớn do không ký được hợp đồng. Nhưng ít ai thấy được cái khó của những doanh nghiệp vừa và nhỏ khi họ không tìm được hợp đồng cung cấp nguyên liệu sản xuất. Doanh nghiệp sản xuất keo dán Chung Minh hiện đang lâm vào tình thế khó đó.
Là doanh nghiệp sản xuất keo dán, cung cấp cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm gỗ, do vậy khi các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ ra thị trường nước ngoài không tìm được hợp đồng đặt hàng cũng đồng nghĩa việc những doanh nghiệp phụ thuộc như Chung Minh sẽ lâm vào tình cảnh khó khăn. Theo ông Đỗ Kim Sinh, Giám đốc Công ty Chung Minh, thời gian khó khăn vừa qua, doanh thu của doanh nghiệp giảm khoảng 20% do các doanh nghiệp lớn không tìm được đơn hàng xuất khẩu.
Để duy trì hoạt động, công ty phải liên tục tìm kiếm đơn hàng mới với số lượng vừa và nhỏ. “Cũng nhờ quy mô doanh nghiệp của mình nhỏ nên khi không có hợp đồng lớn thì mình vẫn có thể xoay sở tìm kiếm những đơn hàng nhỏ, lẻ.
Mặc dù khó khăn nhiều nhưng đến nay mình vẫn đảm bảo được công việc và thu nhập cho hơn 20 lao động. Nghe đâu các doanh nghiêp lớn cũng đang đàm phán và chuẩn bị ký được những hợp đồng xuất khẩu. Hy vọng thời kỳ khó khăn sẽ sớm qua, sớm có được hợp đồng, đảm bảo công việc, thu nhập cho người lao động. Ai đi làm cũng mong dịp cuối năm có thu nhập để về quê”, ông Sinh tâm sự.
Tình trạng cắt giảm lao động, thu hẹp sản xuất đang diễn ra tại nhiều doanh nghiệp |
Cũng trong tình cảnh khó khăn, phải giảm hoạt động, ông Nguyễn Tố Hữu, chủ một cơ sở sản xuất hộ gia đình mặt hàng dây luồn cung cấp cho các công ty may mặc cho biết, từ khi các công ty may gặp khó trong việc tìm kiếm đơn hàng, cơ sở cũng gặp khó theo. Sản lượng cung cấp ra thị trường giảm khoảng 50%, khiến cơ sở buộc lòng cắt giảm lao động.
“Ngày trước, bình quân cơ sở của tôi có khoảng 20 lao động thì nay chỉ còn khoảng 6 - 7 lao động. Thật sự chẳng ai muốn cắt giảm thợ lâu năm, nhưng doanh thu trong hoạt động kinh doanh không thể đáp ứng được nên phải buộc lòng. Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đang cố gắng tìm kiếm đơn hàng để duy trì hoạt động ở mức này. Hy vọng kinh tế sớm phục hồi”, ông Hữu cho biết.
Cơ sở sản xuất dây luồn phục vụ ngành May của hộ ông Nguyễn Tố Hữu đang cố gắng sản xuất cầm cự. Hiện cả cơ sở chỉ còn vài công nhân |
Khó khăn ai cũng thấy, nhưng giữa lúc khó khăn các doanh nghiệp vẫn đang từng ngày từng giờ nỗ lực để duy trì hoạt động sản xuất của mình. Hoạt động sản xuất của họ lúc này không chỉ là tìm kiếm lợi nhuận mà hơn nữa là duy trì nội lực kinh tế, đảm bảo được công ăn việc làm cho người lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.