Doanh nghiệp trúng đấu giá đất 1.500 tỷ nhưng sẵn sàng nộp phạt chậm 1.200 tỷ để đợi giá đất lên
Doanh nghiệp trúng đấu giá đất nhưng chậm nộp tiền trúng đấu giá và sẵn sàng đợi đến 2-3 năm rồi nộp phạt nếu như giá đất lên còn giá đất không lên thì bỏ cọc. Đây là một trong những yếu tố khiến việc đấu giá đất không được lành mạnh.
Tại tọa đàm với chủ đề “Tạo đà phục hồi thị trường bất động sản phía Nam" do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức mới đây, vấn đề về đấu giá quyền sử dụng đất được các chuyên gia đưa ra bàn luận, băn khoăn sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào cho đến khi Luật đất đai được thông qua.
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ TN&MT cho hay: “Vừa qua, việc đấu giá đất không được lành mạnh, mặc dù thời gian triển khai dự án, sử dụng quỹ đất chậm do thủ tục như ý kiến trao đổi. Tuy nhiên, nói đi cũng cần phải nói lại, có những doanh nghiệp để đất từ năm 2012 đến giờ mới triển khai, cũng có mục tiêu làm thủ tục dự án càng chậm càng tốt để đợi giá đất lên. Sau khi giá đất lên mới thực sự triển khai để bán sản phẩm thương mại.
Nhiều doanh nghiệp mua đất 1.500 tỷ nhưng sẵn sàng nộp phạt 1.200 tỷ để trả chậm. Phạt chậm 2-3 năm, dù cả tiền lãi phạt chậm 1 năm tới 18% cùng với lãi suất 10%, nghĩa là 1 năm mất 28% nhưng doanh nghiệp vẫn sẵn sàng chậm lại để nộp phạt”.
Bên cạnh đó, đấu giá đất còn có kiểu quân xanh quân đỏ, đẩy giá đất lên cao rồi bỏ cọc.
Ông Thọ cho hay, mặc dù các quy định đấu giá đất tương đối rõ ràng nhưng trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện ở các địa phương áp dụng còn quá chặt chẽ theo quy định, phương án đấu giá.
“Có quy định chúng ta cần làm rõ để hiểu ra tại sao đợt vừa qua lại xảy ra như vậy. Đó là do hiểu về tiền đặt trước và tiền cọc. Tiền đặt trước là tiền để tham gia đấu giá còn sau khi đấu giá thì phần tiền đặt trước đó có thể gộp vào tiền đặt cọc. Quy định tiền đặt cọc theo quy định của Luật dân sự rất rõ ràng là cam kết để thực hiện hợp đồng. Nếu làm chặt chẽ, trong phương án đấu giá đưa ra là tiền đặt trước theo giá khởi điểm, ngay khi rời phòng đấu giá phải nộp đủ tiền cọc, cam kết thực hiện theo giá đưa ra. Nếu như vậy, đặt ở mức 20%, chắc chắn sẽ không ai bỏ cọc cả”, ông Thọ nói.
Vị này cho biết thêm, bên cạnh quy định trên còn có quy định chưa rõ ràng ở nộp tiền sau 30 ngày, 60 ngày, sau 6 tháng thì hội đồng đấu giá sẽ quyết định. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, sau 6 tháng vẫn quyết định cho chậm. Thế nên, các doanh nghiệp sẵn sàng đợi, đợi đến 2-3 năm rồi nộp phạt. Nếu giá đất lên thì nộp phạt còn không lên thì bỏ cọc.
Có thông tin xung quanh câu chuyện áp dụng giải pháp đánh thuế các nhà đầu tư giữ đất chậm triển khai dự án. Trước thông tin này, ông Thọ cho hay, Việt Nam hiện này có tiền thu về đất cao so với thế giới. Trên thế giới thì bất động sản nói chung chiếm từ 50-70% tài sản quốc gia, vừa rồi do Covid-19, các nước đưa ra cứu trợ lớn đã đẩy giá bất động sản toàn thế giới tăng, do đó Việt Nam tăng cũng là điều bình thường.
“Nhưng, giá bất động sản càng tăng, các doanh nghiệp để đất bỏ hoang, chậm triển khai càng lớn. Đã có quy định rất rõ bỏ hoang 12 tháng sẽ bị thu hồi hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng sẽ thu hồi. Tuy nhiên, việc áp dụng biện pháp thu hồi khá khó khăn. Thực tế khi đi kiểm tra doanh nghiệp đưa máy móc vào như đang làm”, ông Thọ cho biết.
Dự kiến trong nghị quyết mới sẽ đề xuất áp dụng các biện pháp tài chính, như ở Úc, đất không đưa vào sử dụng đánh thuế 5% khi doanh nghiệp tự nguyện khai báo triển khai chậm, nếu Nhà nước đi điều tra sẽ áp dụng 20% còn Nhà nước điều tra ra mà không khai báo sẽ mất 90%, còn ở Hàn Quốc nếu chậm sau 7 năm đóng 9%, sau 10 năm đóng 10%. Đây là nguyên tắc chung của các nước để bắt buộc đưa đất vào sử dụng.
“Chúng tôi mong lần này sẽ làm được điều đó để hạn chế việc để đất bỏ hoang trong thời gian quá lâu. Một đề xuất nữa là đánh thuế tài sản đối với đất đai, việc này sẽ khó khăn hơn vì ảnh hưởng tới toàn dân.
Việc áp dụng thuế tài sản hiện Bộ Tài chính đang phân vân, nhưng việc đánh thuế với đất bỏ hoang và đất chưa đưa vào sử dụng nếu đưa ra sẽ có vai trò rất lớn buộc doanh nghiệp phải đưa đất vào sử dụng tránh tình trạng đất bỏ hoang như thời gian vừa qua”, ông Thọ cho hay.