Doanh nghiệp trong trường đại học

Hiện nay, một trở ngại lớn khiến không ít cử nhân ra trường khó tìm việc, đó chính là thiếu thực tiễn và kinh nghiệm nghề nghiệp. Có lẽ cách tốt nhất để việc đào tạo sát thực tiễn, bảo đảm tính cạnh tranh đó là trường đại học và sinh viên phải đưa mình trở thành người trong cuộc.

Các trường đại học đang có một tài nguyên nhân lực rất quý mà chưa tận dụng được, đó chính là đội ngũ sinh viên đông đảo. Không phải đợi đến khi ra trường thì sinh viên mới trở thành nguồn nhân lực, mà ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, họ đã có nhu cầu tìm việc để trang trải cuộc sống, tích lũy kinh nghiệm và như thế đã trở thành nguồn nhân lực. Tuy nhiên, đáng tiếc là hiện nay, sinh viên chủ yếu đi kiếm những công việc giản đơn, như: Chạy grab, giúp việc trong quán cafe, quán ăn... Những công việc đó có giá trị để mưu sinh, tích lũy kinh nghiệm sống, nhưng đáng tiếc là phần lớn không thuộc chuyên ngành mà sinh viên đang theo học. Do đó, sinh viên sẽ lãng phí thời gian cho những việc giản đơn ấy, mà lẽ ra có thể dùng thời gian đó để thực hành trong lĩnh vực mà mình được đào tạo.  

Nghiên cứu khoa học tại Viện Công nghệ Nano - Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh. Ảnh: vnuhcm.edu.vn

Kinh nghiệm từ các nước phát triển cho thấy, để quá trình học trở thành quá trình tích lũy kiến thức và kinh nghiệm một cách chủ động của sinh viên, các trường đại học khuyến khích sinh viên khởi nghiệp, cho lập doanh nghiệp ngay trong quá trình học. Tại Mỹ có rất nhiều quỹ khởi nghiệp, khích lệ sinh viên hình thành ý tưởng kinh doanh từ chính ngành mà mình đang theo học, thành lập doanh nghiệp để không chỉ thực hành nghề nghiệp mà còn tự tạo lập việc làm cho bản thân và bạn bè. Những tỷ phú như Bill Gate với Microsoft, Mark Zuckerberg với Facebook đều hình thành công việc kinh doanh khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Tất nhiên là không phải ai cũng có tầm tư duy để trở thành ông chủ, trở thành những tỷ phú như Bill Gate, Mark Zuckerberg. Nhưng tinh thần tự tạo lập công việc sẽ rất có giá trị cho cả quá trình dạy và học ở bậc đại học.

Ngay tại Việt Nam, cách đây hơn 20 năm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã cho thành lập một trung tâm an ninh mạng BKAV, là nơi “thực chiến” của nhiều sinh viên công nghệ thông tin để cho ra sản phẩm phần mềm diệt virus. Đến nay, những nhân sự đầu tiên của trung tâm như kỹ sư Nguyễn Tử Quảng và nhiều đồng môn đã đứng ra thành lập doanh nghiệp an ninh mạng hàng đầu Việt Nam.   

Với việc thành lập doanh nghiệp ngay tại trường đại học và cho ra những sản phẩm, dịch vụ thì quá trình học của sinh viên trở thành một quá trình hoàn toàn chủ động, có mục đích, chiến lược rất rõ ràng, không chờ đợi sau khi tốt nghiệp mới đi kiếm việc một cách đầy may rủi. Hơn nữa, việc lập doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực mà trường đang đào tạo nhân lực cũng sẽ giúp nhà trường có một cái nhìn thực tiễn hơn, sát hơn về nhu cầu nhân lực của thị trường. Việc thành lập doanh nghiệp trong trường đại học sẽ cho ra đời hai sản phẩm: Thứ nhất là sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp; thứ hai chính là nguồn nhân lực chất lượng cao đã được rèn luyện từ thực tiễn. Hai sản phẩm này đều phải bảo đảm chất lượng, tính cạnh tranh.

Việc lập doanh nghiệp này có thể do nhà trường đứng ra thành lập, hoặc nhà trường hỗ trợ, kêu gọi nhà đầu tư làm bà đỡ cho các ý tưởng thành lập doanh nghiệp của sinh viên. Theo quy định tại Điều 6, Nghị định số 109/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1-3-2023 thì cơ sở giáo dục đại học được thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ, phù hợp với định hướng phát triển của cơ sở giáo dục đại học. Đây là cơ sở pháp lý để hiện thực hóa nhu cầu hình thành doanh nghiệp trong trường đại học. Tuy nhiên, để việc này đạt hiệu quả cao thì Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có một chiến lược để thúc đẩy, với những mục tiêu cụ thể và nghiên cứu thêm các chính sách hỗ trợ.

Tags: đại học
Lượt xem: 8
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...