Doanh nghiệp quản lý Công viên nước Hồ Tây lỗ trầm trọng nhất trong lịch sử, doanh thu rớt ''thảm'' 90% chỉ trong 2 năm
Năm 2021, lợi nhuận sau thuế của Haseco - đơn vị chủ quản Công viên nước Hồ Tây đạt 5 tỷ đồng, doanh thu đạt 19 tỷ đồng - con số ''bi thảm'' nhất của doanh nghiệp này trong lịch sử hoạt động.
Công ty Cổ phần Dịch vụ Giải trí Hà Nội được thành lập ngày 4/11/1998 với tên giao dịch Quốc tế là Haseco (UPCOM: HES). Đây là đơn vị thực hiện việc xây dựng tổ hợp vui chơi giải trí Hồ Tây gồm 3 hạng mục xây dựng chính là công viên Nước, công viên Mặt Trời Mới và khu Trung tâm dịch vụ đa năng.
Công viên nước Hồ Tây được khai trương và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 19/5/2000 với quy mô 6,4ha, gồm 14 khu trò chơi. Công viên trên cạn rộng 1,7ha, đi vào hoạt động từ ngày 2/7/2000 với 15 loại trò chơi ngoài trời. Từng là địa điểm vui chơi giải trí có tiếng bậc nhất Thủ đô, Công viên nước Hồ Tây những năm gần đây dần chìm trong thua lỗ, thậm chí ăn mòn lãi và âm vốn.
Cụ thể, năm 2021, lợi nhuận sau thuế của Haseco đạt 5 tỷ đồng, doanh thu đạt 19 tỷ đồng - con số ''bi thảm'' nhất của doanh nghiệp này trong vòng 10 năm, giảm 54,8% so với thực hiện năm 2020.
Năm 2019, Haseco từng thu về mức doanh thu ''đỉnh cao'' nhất trong lịch sử với 156 tỷ đồng, đó cũng là thời kỳ hoàng kim của Haseco và bắt đầu lao dốc thậm tệ từ năm 2020. Như vậy chỉ trong 2 năm ngắn ngủi, đơn vị này thâm hụt đến 87,8% doanh thu, tương đương 137 tỷ đồng.
Doanh thu Haseco giai đoạn 2011 - 2021
Từ 2019 trở về trước, doanh thu Haseco tuy tăng trưởng không ổn định nhưng ở mức chấp nhận được, dao động từ 89-150 tỷ đồng và chưa bao giờ rơi vào tình trạng lỗ "ăn mòn'' lãi trầm trọng như 2 năm vừa qua.
Nguyên nhân được cho là do công viên này những năm gần đây không đầu tư thêm nhiều trò chơi mới, cơ sở vật chất đã quá cũ,…dẫn đến lượng khách sụt giảm. Ngoài ra một phần đến từ tác động của Covid-19, hệ thống công viên này buộc phải đóng cửa.
Haseco có vốn điều lệ xấp xỉ 93 tỷ đồng, với 5 cổ đông lớn gồm: Hanoitourist (45,9%), Tập đoàn Bảo Việt (19,4%), Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Sen (10,1%), Công ty TNHH Trí Thành (5,7%) và CTCP Đầu tư phát triển và Xây dựng Thành Đô (5,1%). Ngoài ra còn các cổ đông nhỏ, trong đó Haseco chỉ nắm giữ 0,03%.
Kể từ khi thành lập, Haseco đã trải qua 3 lần tăng vốn: lần 1 phát hành 240.000 cổ phần (mệnh giá 100.000 đồng/cp) vào năm 2000, lần 2 phát hành 90.000 cổ phần (mệnh giá 100.000 đồng/cp) vào tháng 1/2001, lần 3 phát hành 1,49 triệu cổ phần (mệnh giá 10.000 đồng/cp) vào tháng 8/2001. Vốn điều lệ thực góp của Haseco là 92,9 tỷ đồng, hiện vốn hóa tương đương 153,4 tỷ đồng.
Với tình hình kinh doanh thua lỗ đáng báo động, chốt phiên 24/3, cổ phiếu HES giảm 14,51%, ở mức 16.500 đồng/cp. Trong một thời gian dài thanh khoản HES gần như rất kém, nhiều phiên không có giao dịch.
Được biết, ngoài kinh doanh công viên là mảng chính, Haseco còn phát triển mô hình bán lẻ (siêu thị Haco-Mart ngay lối vào công viên nước), kinh doanh ẩm thực, tổ chức sự kiện (trung tâm sự kiện và truyền thông Haseco), dịch vụ du lịch (trung tâm du lịch Haseco Travel), bãi xe, nhà khách.