Doanh nghiệp may mặc TP Hồ Chí Minh đi vào cuộc đua “xanh hóa”

Hiện nay, thị trường quốc tế về may mặc ngày càng khắt khe hơn với tiêu chuẩn “xanh” đặt ra. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp may mặc cần phải thay đổi tư duy, cách làm, quan tâm hơn tới tính bền vững của chuỗi cung ứng; Từ đó mới có thể nâng cao cạnh tranh và mở rộng thị trường của chính mình trên sân chơi quốc tế.

Hiện nay, khi Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng hàng dệt may toàn cầu đang phải chịu thách thức rất lớn từ những tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật gắt gao về tính bền vững và bảo vệ môi trường. Theo đó, các nhà máy sản xuất phải tiết kiệm năng lượng, nước; Sử dụng nguyên liệu thân thiện và an toàn với môi trường; Doanh nghiệp hoạt động có trách nhiệm với môi trường và xã hội…

Về phía người tiêu dùng, nhiều người đã bắt đầu quan tâm, thậm chí sẵn sàng đầu tư số tiền cao hơn cho những sản phẩm may mặc thân thiện với môi trường.

So với “đối thủ” trực tiếp của nước ta là Bangladesh, tiền nhân công đã rẻ hơn, nước này còn sở hữu hơn 200 nhà máy (trong tổng số hơn 4.000) được chứng nhận "nhà máy xanh" theo tiêu chuẩn LEED.

Có thể thấy sự thật đáng buồn rằng, sức cạnh tranh đơn hàng may mặc của nước ta so với nước bạn đang bị thua thiệt hơn rất nhiều. Nhiều doanh nghiệp may mặc khi đi ra thị trường quốc tế đã chịu cảnh đứt gãy đơn hàng vì không đáp ứng được tiêu chuẩn “xanh”.

Từ những thực tế trên, các công ty may mặc của nước ta nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng không thể đứng ngoài “cuộc chơi” lớn này. Bởi “xanh hóa” cũng chính là cuộc đua giành thị phần và là xu hướng tất yếu của ngành May mặc trong tương lai.

Doanh nghiệp may mặc đang bước vào cuộc đua “xanh hóa”
Doanh nghiệp may mặc TP Hồ Chí Minh đang bước vào cuộc đua “xanh hóa”

Bắt đầu từ “sân chơi” trong nước, May Việt Tiến (Vtec) cho ra mắt nhiều bộ sưu tập thời trang bền vững như sơ mi tre, sen, bạch đàn… Hay gần đây nhất, Việt Tiến tiếp tục sử dụng chất liệu thân thiện môi trường mà hãng đang theo đuổi để cho ra mắt bộ sưu tập sơ mi hoa hồng. Đại diện Việt Tiến cho biết, vải sợi hoa hồng có nguồn gốc từ những cánh hoa hồng, nghiền thành bột, sau đó đem hòa tan trong dung môi chuyên dụng mà không cần hóa chất để sản xuất xơ hoa hồng.

Một sản phẩm từ may Việt Tiến
Một sản phẩm vải từ hoa hồng của Việt Tiến

Trong khi đó, Công ty Cổ phần Phong Phú bắt đầu quá trình “xanh hóa” từ rất sớm, khi 10 năm về trước đã chủ động thay đổi dây chuyền công nghệ robot và thực hiện kiểm soát các yêu cầu kỹ thuật đối với các đơn hàng cho 2 thị trường Mỹ và EU.

Hiện nay, Phong Phú đang ứng dụng phần mềm đo lường tác động môi trường trong nhà máy sản xuất; Ứng dụng ngay từ khâu phát triển mẫu để có thể đánh giá được các loại nguyên liệu, công nghệ tác động đến môi trường ra sao, từ đó đề ra kế hoạch sử dụng nguyên liệu ít ảnh hưởng đến môi trường. Doanh nghiệp này cũng đang sử dụng công nghệ xử lý nước thải giúp tái sử dụng nước trong quy trình sản xuất chiếm khoảng 35%, đồng thời đang hướng tới tương lai sẽ sử dụng công nghệ có thể xử lý 100% nước thải để phục vụ tái sản xuất.

Tương tự trong việc thực hiện “xanh hóa” quy trình sản xuất, Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (có trụ sở tại phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) đã triển khai thành công hệ thống điện mặt trời áp mái cho 2 nhà máy ở Vĩnh Long, xây dựng hệ thống tái sử dụng nước, hỗ trợ các thiết bị tái sử dụng nước, điện… Đồng thời, Thành Công cũng đàm phán với các đối tác thay thế than đá bằng các nguyên liệu sinh khối khác như trấu để giảm phát thải, nâng cao hiệu quả.

Doanh nghiệp may mặc TP Hồ Chí Minh đi vào cuộc đua “xanh hóa”

Tuy nhiên, “xanh hóa” không phải là một cuộc chơi dễ dàng. Theo đó, Công ty TNHH Viking Việt Nam đã đi theo hướng “xanh hóa” từ vài ba năm trước, tuy nhiên chưa đạt được mức độ 100% trên sản phẩm.

Thực tế cho thấy, “xanh hóa” là sự thay đổi bức thiết nhưng lại cần rất nhiều thời gian, quyết tâm, buộc phải đánh đổi bằng một khoản chi phí khổng lồ mới có thể tái cơ cấu lại toàn bộ hệ thống và tiếp cận với quy trình sản xuất mới.

Tuy nhiên, nếu chỉ mỗi doanh nghiệp chủ động thôi là chưa đủ mà còn cần sự hỗ trợ từ Nhà nước, từ đó doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi hay có những cơ chế, chính sách phù hợp để bắt đầu “xanh hóa”.

Lượt xem: 11
Tác giả: Nguyễn Trang
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...