Đồ gỗ và lâm sản sụt giảm 28,8%, lần đầu tiên bị “ngắt mạch” tăng xuất khẩu

Sáng 5-7, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2023. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chủ trì cuộc họp.

Quang cảnh hội nghị.

Nhờ chủ động tháo gỡ vướng mắc để gia tăng xuất khẩu trong điều kiện khó khăn về đơn hàng mở mới (nhất là thủy sản và lâm sản) và rào cản thị trường nên tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản (NLTS) 6 tháng đầu năm 2023 đạt 24,59 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, nhóm nông sản chính 12,79 tỷ USD, tăng 12%; sản phẩm chăn nuôi 232 triệu USD, tăng 26,5%; thủy sản 4,13 tỷ USD, giảm 27,4%; lâm sản chính 6,5 tỷ USD, giảm 28,2%...

Đóng góp vào kết quả đó, có 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD (cà phê, cao su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, sản phẩm gỗ); trong đó gạo và hạt điều, rau quả và trái cây là những sản phẩm tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu: Gạo (tăng 22,2% khối lượng, tăng 34,7% giá trị xuất khẩu), hạt điều (tăng 10,5% khối lượng, tăng 7,7% giá trị xuất khẩu); riêng cà phê tuy giảm về khối lượng (đạt 1,02 triệu tấn, giảm 2,2%), nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng 5,2% nên giá trị xuất khẩu vẫn đạt 2,4 tỷ USD, tăng 3%. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả và trái cây kim ngạch lần đầu tiên tăng kỷ lục tới 64,2% so với cùng kỳ, giá trị đạt khoảng 2,75 tỷ USD.

Đồ gỗ và lâm sản lần đầu tiên sụt giảm mạnh đã "ngắt mạch" tăng kim ngạch xuất khẩu (một doanh nghiệp sản xuất, chế biến đồ gỗ tại tỉnh Bình Dương).

Về thị trường xuất khẩu: Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng NLTS lớn nhất của Việt Nam; giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 21,4%, tăng 7,7%; xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm 20,2%, giảm 32,9% và xuất khẩu sang Nhật Bản chiếm 7,7%, giảm 5,3%.

Theo ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN-PTNT), tốc độ tăng giá trị sản xuất NLTS 6 tháng đầu năm đạt 3,1%; trong đó, nông nghiệp tăng 3,14% (trồng trọt tăng 2,11%, chăn nuôi tăng 4,88%), lâm nghiệp tăng 3,43%, thủy sản tăng 2,96%. Tốc độ tăng GDP ngành NLTS 6 tháng đầu năm khá cao, đạt 3,07%; trong đó, nông nghiệp tăng 3,14%; lâm nghiệp tăng 3,43%; thủy sản tăng 2,77%. Đặc biệt diện tích gieo cấy lúa mặc dù giảm khoảng 1% thế nhưng sản lượng lúa gạo vẫn tăng là do năng suất lúa tăng bình quân 1,7 tạ/ha. Việc lúa gạo tăng sản lượng đã góp phần đảm bảo an ninh lương thực trong nước đồng thời phục vụ tốt cho xuất khẩu.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đề nghị các đơn vị chức năng trực thuộc bộ không nêu quá nhiều khó khăn mà việc nêu khó khăn chỉ để chúng ta kịp thời có các giải pháp giải quyết vấn đề của ngành NN-PTNT hiện nay. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần xác định khoa học - công nghệ là giải pháp đột phá mang lại sự phát triển của ngành theo hướng xây dựng nền kinh tế nông nghiệp trong đó thay vì tập trung vào sản lượng thì cần tập trung vào nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế của mỗi nhóm mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Riêng đối với lĩnh vực thủy sản cần tập trung hướng tới xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, tăng nuôi biển gắn với việc khai thác, xử lý, chế biến phế phụ phẩm của ngành hàng này.

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...