CTO MoMo kể chuyện ‘săn tướng tài’: Quan điểm của tôi là không chiêu mộ ai cả, không phỏng vấn ai hết

Theo CTO MoMo Thái Trí Hùng, áp lực lớn nhất không phải là mời được các nhân tài về làm việc, mà là “làm sao từng bước, từng bước một đi lên, giữ mọi cùng với nhau”.

Hôm qua (20/1), MoMo – công ty kỳ lân mới nhất của Việt Nam đã ra mắt Hội đồng AI (AI Committee) tại TP HCM. Theo công ty này, nhiệm vụ chính của AI Committee là cụ thể hóa, thực thi chiến lược AI-First của MoMo, đảm bảo các chiến lược và ứng dụng AI tại MoMo đi đúng hướng, ra kết quả thật, đồng thời tìm kiếm, bổ sung đội ngũ, tích lũy về mặt công nghệ, sản phẩm dưới sự hỗ trợ từ AI.

Được thành lập vào 6/2021, đến nay AI Committee của MoMo có 7 thành viên bao gồm ông Nguyễn Mạnh Tường, Phó Chủ tịch HĐQT & Co-CEO; ông Thái Trí Hùng, Phó Tổng giám đốc - CTO; ông Vũ Thành Công, Phó Tổng giám đốc - Phụ trách Sản phẩm và Trải nghiệm Khách hàng; ông Phạm Kim Long, Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển AI; ông Đặng Hoàng Vũ, Giám đốc AI mảng Tăng trưởng Kinh doanh; bà Trần Thị Lạc Thanh, Giám đốc Khoa học Dữ liệu và ông Trịnh Xuân Tuân, Giám đốc Khoa học Dữ liệu.

Một trong những điều khiến nhiều người chú ý là thành viên của AI Committee đều là các gương mặt nổi bật trong lĩnh vực công nghệ, từng làm việc tại nhiều tập đoàn lớn cả trong và ngoài nước.

Câu hỏi được đặt ra cho CTO (Giám đốc công nghệ) Thái Trí Hùng là “Làm thế nào để MoMo chiêu mộ nhân tài?”

Trả lời câu hỏi này, ông Hùng cho biết “Quan điểm của tôi là không chiêu mộ ai cả, không phỏng vấn ai hết. Ở MoMo là mình rủ mọi người về, mọi người thấy mình hay, vui vui thì mọi người về thôi”.

“Anh em luôn xác định mình đi cùng với nhau, đồng hành với nhau. May mắn là mọi người tự thấy sự tác động MoMo mang lại cho mọi người xung quanh, cho ngành của mình đang làm việc nên rất tự nhiên, mọi người đi cùng với mình”, ông Hùng nói thêm.

CTO MoMo kể chuyện ‘săn tướng tài’: Quan điểm của tôi là không chiêu mộ ai cả, không phỏng vấn ai hết - Ảnh 1.

 

CTO MoMo Thái Trí Hùng. Ảnh: MoMo

Theo CTO MoMo, áp lực lớn nhất không phải là mời được các nhân tài về làm việc, mà là “làm sao từng bước, từng bước một đi lên, giữ mọi cùng với nhau”.

Ông Hùng cho biết, công việc thú vị nhưng cũng có không ít khó khăn và mỗi người một tính nên đôi lúc cũng xảy ra những mâu thuẫn. Trong những trường hợp như vậy, vị CTO này “thường đóng vai trò đứng giữa, anh này chém mình một tí, anh kia chém mình một tí, sau đó lại cùng đi tiếp với nhau”.

Bí quyết tuyển người: “Mời họ ăn ít nhất 3 lần”

Trong đội ngũ của MoMo có ông Phạm Kim Long – “cha đẻ” phần mềm gõ tiếng Việt Unikey và các thiết bị di động của người Việt Nam. Ông Long từng làm việc tại NCR (CH Séc), IBM Việt Nam, FPT Telecom và VNG.

“Một người sếp rất cao của mình dạy về tuyển người thì nguyên tắc là 'ít nhất mời họ đi ăn được 3 lần là sáng, trưa và tối'. Trong quá trình đó mình sẽ xem cách họ ăn uống, nói chuyện như thế nào. Nhưng anh Long thì cá biệt… tổng các bữa ăn lên đến… 5 lần”, CTO Thái Trí Hùng cười khi chia sẻ về câu chuyện đưa ông Long về với team của mình.

Ông Hùng nhấn mạnh, “để mời một người về, đầu tiên phải nghĩ đến là có thể giúp gì cho các bạn để các bạn thành công được ở MoMo. Thứ hai, sự đồng hành đó của các bạn sẽ tạo ra những ảnh hưởng và phải cùng win-win”.

Một nhân vật khác trong AI Committee là ông Đặng Hoàng Vũ – người tốt nghiệp Tiến sĩ Đại học Cambridge và làm việc cho Hewlett Packard trước khi về nước. Ông Vũ cũng từng giữ vai trò Giám đốc Khoa học tại Ban công nghệ Tập đoàn FPT và đầu quân cho Facebook trước khi gia nhập MoMo.

Các buổi trao đổi giữa MoMo và ông Vũ đều diễn ra qua Zoom vì lúc đó ông Vũ đang ở Anh. Vị tiến sĩ trẻ nói với công ty này rằng “các anh làm AI như thế nào, nếu chém gió thì tôi không về”.

“Mất nửa tiếng thuyết phục anh Vũ là ở MoMo chỉ có làm thật, chưa bao giờ chém. Tôi cũng phải thuyết phục Vũ bằng các dự án, các ý định mà mình tin sẽ thành công, sẽ có kết quả, tạo ra tác động tích cực cho công ty cũng như khách hàng của MoMo”, CTO Thái Trí Hùng nhớ lại.

CTO MoMo kể chuyện ‘săn tướng tài’: Quan điểm của tôi là không chiêu mộ ai cả, không phỏng vấn ai hết - Ảnh 2.

Từ trái qua phải: Ông Thái Trí Hùng, ông Trịnh Xuân Tuân, ông Phạm Kim Long, bà Trần Thị Lạc Thanh và ông Đặng Hoàng Vũ. Ảnh: MoMo

Kiên trì “yêu đơn phương”

“Nữ tướng” duy nhất trong AI Committee là bà Trần Thị Lạc Thanh, Giám đốc Khoa học Dữ liệu. Bà Thanh tốt nghiệp Tiến sỹ Khoa học máy tính từ trường UMass, Amherst, Mỹ. Sau đó bà làm việc ở Twitter và LinkedIn trong nhiều năm. Bà về Việt Nam năm 2020 và làm việc ở VNG khoảng một năm, phụ trách nhóm làm data cho App Zalo.

Ông Hùng cho biết khi về Việt Nam, bà Thanh từng từ chối làm việc cho MoMo. “MoMo bền bỉ ‘yêu đơn phương’ hơn một năm trời mà chị chưa đồng ý”, vị CTO tiết lộ.

“Sau đó mình cử anh Long và anh Vũ đi thuyết phục lần một và sau đó hai anh ấy tiếp tục quay lại lần thứ hai để đặt vấn đề cụ thể với Thanh. Câu chuyện chúng tôi chia sẻ với Thanh phần lớn là ở MoMo chúng tôi có những gì, hiểu được mong muốn cụ thể của Thanh là gì và để Thanh thành công được ở môi trường MoMo thì cần những yếu tố, điều kiện nào. Sau một vòng như thế Thanh mới gật đầu”, ông Hùng nói.

“Nếu Pique không giúp được MoMo lớn gấp 10 lần thì là thất bại của MoMo”

Cuối tháng 6 năm ngoái, MoMo công bố hoàn tất thương vụ mua lại toàn bộ quyền sở hữu trí tuệ của Pique (tên trước đây là NextSmarty). Đây là công ty cung cấp các giải pháp trí tuệ nhân tạo giúp cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng cho tất cả các doanh nghiệp số.

Sau thương vụ trên, ông Trịnh Xuân Tuân - Founder Pique - cũng gia nhập Fintech này và đảm nhận vị trí Giám đốc Khoa học Dữ liệu.

Ông Hùng nhớ lại, “một lần đi định giá, bước vào Pique cảm giác giống hệt MoMo 8-9 năm trước với một văn phòng nhỏ nhưng mình nhìn thấy tinh thần, nhiệt huyết của mọi người”.

Câu đầu tiên ông Hùng nói với vị founder này là: “Nếu Pique về MoMo mà không lớn được như MoMo bây giờ thì đó là thất bại của Pique, nếu mà Pique không giúp được MoMo lớn gấp 10 lần thì là thất bại của MoMo”.

“Tuân nói gấp 10 lần em nghĩ đủ sức và Tuân đã có mặt ở đây”, CTO MoMo chia sẻ.

Trước đó, ông Tuân cũng từng làm việc cho FPT Software, Vega Corporation, DeepVu (ở Thung lũng Silicon, Mỹ).

Lượt xem: 169
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...