Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng: ‘Việc nào không thể làm tốt nhất được thì phải chịu thua và chấp nhận bỏ thôi!’
"Ngay từ đầu, chúng tôi đã hiểu tương lai phải là xe điện. Và đây là thời điểm buộc phải dứt khoát chọn sớm, thay vì cứ nửa xăng nửa điện. Tất nhiên, chúng tôi phải tính làm sao cho khách hàng của mình không bị thiệt, thậm chí có lợi hơn. Nếu chất lượng không giảm, dịch vụ vẫn diễn ra bình thường, xe không mất giá thì khách hàng có hết chới với không?", ông Phạm Nhật Vượng chia sẻ trên báo giới mới đây.
Chủ tịch HĐQT Vingroup Phạm Nhật Vượng mới đây đã chia sẻ trên VnExpress về quan điểm quản trị của mình quanh cuốn sách "Từ Tốt đến Vĩ đại" của Jim Collins.
Theo thuyết "Con Nhím" trong cuốn sách trên, các tổ chức sẽ có nhiều khả năng thành công hơn nếu họ tập trung vào một việc, và làm tốt việc đó. Một công ty có thể vạch ra "Chiến lược con nhím" của mình thông qua mô hình 3 vòng tròn: Hiểu được đam mê thực sự của những con người trong công ty; Xác định được những gì mình có thể làm tốt hơn so với bất cứ ai khác; và Xác định điểm mạnh có thể khai thác để tạo ra doanh thu.
Nói về khái niệm "Con Nhím", ông Vượng mà rằng: "Tôi đọc, thích sách nhưng nhiều khi không làm theo sách. Với tôi, khái niệm "Con Nhím" cũng chưa thật sự hoàn hảo vì nếu đạt được cả 3 vòng tròn của khái niệm này: làm việc bạn đam mê nhất, làm việc bạn có thể làm giỏi nhất thế giới và làm việc có hiệu quả kinh tế rõ nét thì còn gì phải bàn nữa đâu".
Đây là thời điểm buộc phải dứt khoát chọn sớm, thay vì cứ nửa xăng nửa điện
"Ở Vingroup chúng tôi luôn có đam mê cháy bỏng với các việc mình làm, luôn phấn đấu để có thể làm tốt nhất thế giới và tạo ra hiệu quả bền vững trong dài hạn. Việc nào không thể làm tốt nhất được thì phải chịu thua và chấp nhận bỏ thôi".
Chủ tịch Vingroup cho biết ông tư duy khá đơn giản: Những dự án không làm được thì cũng phải sòng phẳng mà nhận thất bại rồi dừng.
"Những cái cần bán để thêm nguồn lực cho các dự án trọng điểm khác thì chấp nhận bán, cái nào đã không còn phù hợp sau một thời gian vận hành thì không nên cố. Việc dừng lại khó khăn và phải suy tính lâu hơn nhiều so với quyết định thành lập ban đầu vì khi đó đã có cán bộ nhân viên của mình tham gia, đã có khách hàng... Phải tính làm sao cho vẹn toàn", ông Vượng bày tỏ.
Sau khi bán VinMart, VinSmart, rồi mới đây lại quyết định dừng sản xuất xe xăng để chỉ tập trung vào xe điện, trước câu hỏi liệu có sợ khách hàng đang đi xe xăng thấy chới với, ông Phạm Nhật Vượng khẳng định: "Ngay từ đầu, chúng tôi đã hiểu tương lai phải là xe điện. Và đây là thời điểm buộc phải dứt khoát chọn sớm, thay vì cứ nửa xăng nửa điện".
"Tất nhiên, chúng tôi phải tính làm sao cho khách hàng của mình không bị thiệt, thậm chí có lợi hơn. Nếu chất lượng không giảm, dịch vụ vẫn diễn ra bình thường, xe không mất giá thì khách hàng có hết chới với không?"
Theo ông Vượng, thường một trong những lý do xe mất giá là vì không được hãng bảo dưỡng, sửa chữa, không giữ các cam kết đã có, bán tháo sản phẩm tồn... Với xe xăng, VinFast không những giữ nguyên các cam kết mà còn bổ sung chính sách, dịch vụ có lợi hơn cho khách hàng, ví dụ tăng thời hạn bảo hành lên 10 năm, gấp 2-3 lần thông thường và thêm dịch vụ Mobile service.
"Để đủ phụ tùng cho sửa chữa, bảo dưỡng, chúng tôi cũng dự phòng với số lượng gấp 1,5 lần so với thông lệ. Tôi tin, giá xe xăng VinFast thậm chí sẽ còn tăng", ông Vượng khẳng định.