CEO 5S Media bật mí 5 xu thế truyền thông tiếp thị năm 2023, các marketer không thể bỏ lỡ

Năm 2022 là một năm ngành truyền thông và tiếp thị tiếp tục biến động và không ổn định trong bối cảnh kinh tế bắt đầu hồi phục từng bước sau đại dịch. Vậy còn đối với 2023 thì sao?

CEO 5S Media bật mí 5 xu thế truyền thông tiếp thị năm 2023, các marketer

Những người làm thương hiệu cần chuẩn bị điều gì cho một năm của sự hồi phục hoàn toàn sau đại dịch và chứng kiến sức bền bỉ của sáng tạo và những chuỗi giá trị đã thay đổi từ khách hàng sau đại dịch? Chia sẻ cùng với chúng tôi, bà Phạm Thị Thu Hằng – nhà sáng lập & CEO của 5S Media, mang đến những nhận định.

Không nên chậm chân trên hành trình số hóa

Nhờ có số hóa, thế giới của chúng ta, đặc biệt sau Covid-19, đã thay đổi rất nhiều và thay đổi theo hướng thuận lợi hơn cho khách hàng. Mặc dù đây là một tin tuyệt vời đối với người tiêu dùng, nhưng điều đó cũng có nghĩa là việc phát triển lòng trung thành với thương hiệu trở thành nhiệm vụ, thậm chí là thách thức trước rất nhiều biến số của thị trường.

Sự phân mảnh các kênh truyền thông mở ra nhiều cơ hội để những nhà làm chiến lược có thêm nhiều cơ hội tăng độ nhận diện thương hiệu tới khách hàng. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức cho các thương hiệu vẫn đang mắc kẹt với các kênh truyền thống.

Theo Annual Marketing Report năm 2022 của Nielsen, các nhà quản trị marketing khi tham gia khảo sát chia sẻ rằng: Ưu tiên hàng đầu của họ trong năm 2022 vẫn là tăng nhận biết thương hiệu. Về mục tiêu kinh doanh, đứng đầu danh sách là tăng lượng khách hàng mới.

Trong bối cảnh hiện tại, thương hiệu cần kết hợp đa dạng các kênh để tối ưu hoá khả năng tiếp cận người dùng mục tiêu, tăng độ nhận biết thương hiệu trên diện rộng. Với mục tiêu thu hút nhiều khách hàng mới, thương hiệu cần tiếp cận được nhiều nhóm khách hàng tiềm năng nhất có thể bằng những hoạt động truyền thông phù hợp với sự thay đổi hành vi tiếp nhận thông tin của họ.

Hãy là một thương hiệu có mục đích và không ngừng đổi mới

Đổi mới giờ đây đóng góp một vai trò quan trọng, có tính bước ngoặt đối với một thương hiệu. David Aaker - một chuyên gia thương hiệu người Mỹ, nổi tiếng với mô hình tài sản thương hiệu – Brand Equity (công bố năm 1991) gần đây chia sẻ rằng: "Chiến lược thương hiệu cần có sự đổi mới sáng tạo đột phá một cách có mục đích, để giúp nối dài chiến lược kinh doanh" (Disruptive Innovation + Purpose-Driven Branding).

Ngày nay, người tiêu dùng đang kén chọn hơn bao giờ hết khi lựa chọn thương hiệu. Phần lớn điều đó là do sự bão hòa của thị trường và sự phát triển quá nhanh của Digital Marketing.

Một trong những cách tốt nhất để thương hiệu có thể nổi bật là phát triển và dẫn đầu với mục đích thương hiệu mạnh mẽ, đích thực, hướng tới sứ mệnh và lấy giá trị làm trung tâm.

Trong bối cảnh có nhiều biến động kinh tế, chính trị khiến mối quan hệ con người - con người trở nên mong manh hơn bao giờ hết, thì người tiêu dùng không chỉ quan tâm đến bản thân hàng hoá, mà họ còn quan tâm đến những đóng góp xã hội của thương hiệu, xem thương hiệu đó quan tâm và đóng góp như thế nào cho những vấn đề toàn cầu. Không chỉ quan trọng trong thu hút khách hàng, hoạt động xã hội của thương hiệu còn là nhân tố quan trọng chinh phục thế hệ nhân viên mới.

Theo các khảo sát gần đây về thị trường người lao động của Deloitte, Gen Z và Millennials chia sẻ rằng họ không muốn gia nhập hoặc gắn bó với các tổ chức, doanh nghiệp không có mục đích cao cả hoặc không truyền cảm hứng. Một số ngày càng tăng các nhà đầu tư, quỹ đầu tư cũng đánh giá khía cạnh mục đích xã hội của doanh nghiệp khi thẩm định và quyết định đầu tư.

LEGO là một ví dụ điển hình: Trong chiến dịch hợp tác với Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới WWF, LEGO đã cam kết giảm lượng khí thải carbon tổng thể và đang nỗ lực hướng tới 100% năng lượng tái tạo vào năm 2030. Bằng cách này, LEGO giành được sự ưu ái lớn từ những người tiêu dùng quan tâm sâu sắc đến các vấn đề môi trường. Sứ mệnh lớn lao này này cũng giúp LEGO liên tục đổi mới, cải tiến phát triển sản phẩm, thay đổi trong nguyên liệu và sản xuất. Chiến lược thương hiệu và đổi mới sáng tạo giờ đây là mối quan hệ biện chứng, tác động lẫn nhau và bổ trợ đắc lực cho nhau.

CEO 5S Media bật mí 5 xu thế truyền thông tiếp thị năm 2023, các marketer không thể bỏ lỡ - Ảnh 1.

Bà Phạm Thị Thu Hằng – nhà sáng lập & CEO 5S Media

Cũng theo bà Hằng, có một số xu hướng truyền thông thương hiệu đáng chú ý trong năm 2023.

1. Cá nhân hóa tương tác thương hiệu trên mạng xã hội

Từ năm 2021, các mạng xã hội đã tăng trưởng tốt hơn so với thời kỳ đại dịch. Năm 2023, truyền thông thương hiệu trên mạng xã hội vẫn sẽ là một công cụ quan trọng. Các nền tảng khác như Facebook, Twitter và LinkedIn đang liên tục chạy đua cải tiến những tính năng mới: Phát trực tiếp, Video và Podcast…

Đối với marketing thương hiệu, việc gửi tin nhắn hay thông điệp hàng loạt giống nhau đến hàng triệu khách hàng không còn phù hợp nữa. Cá nhân hóa mới là cách mới để giành được vị trí trong trái tim người tiêu dùng. Vì thế các phương pháp như Tiếp thị hội thoại, ứng dụng AI, máy học vào trong quy trình tương tác với khách hàng đa kênh, là thứ mà Doanh nghiệp không nên bỏ lỡ.

2. Xu hướng sử dụng Influencer tiếp tục phát triển mạnh

Theo Hubspot, 34% các chuyên gia marketing toàn cầu nói rằng vào năm 2023, họ sẽ đầu tư nhiều tiền hơn vào Influencer Branding và đặt đây là chiến lược ưu tiên hàng đầu. Việc tiếp thị, truyền thông thương hiệu có sử dụng người có tầm ảnh hưởng, đã có sự tăng trưởng đáng kể vào năm 2020 và 2021, bà Hằng tin rằng mức tăng trưởng này sẽ còn tăng hơn nữa vào năm 2023.

Xu hướng này đang phát triển bởi những người có tầm ảnh hưởng là "bậc thầy" về các lĩnh vực và nền tảng mà họ hoạt động với lượng khán giả quan tâm lớn và theo dõi nhiệt tình vào nội dung của họ. Do đó, các công ty có thể tận dụng chiến lược này để nâng cao nhận thức về thương hiệu và có được nhiều khách hàng hơn từ khán giả của các influencer khi họ hợp tác với thương hiệu.

3. Kiến tạo những cộng đồng

COVID-19 đã biến việc xây dựng cộng đồng trực tuyến trở thành một phần quan trọng trong việc quảng bá thương hiệu. Đây là nhu cầu sản sinh trong đại dịch và phục vụ hậu đại dịch, nhằm đáp ứng nhu cầu kết nối xã hội với một môi trường an toàn, đáng tin cậy, được tương tác với những người khác và với các thương hiệu mà họ quan tâm.

Các cộng đồng trực tuyến này đóng vai trò là nền tảng để khách hàng của bạn tương tác với nhau. Tương tác có thể ở dạng nhận xét trên mạng xã hội, tin nhắn tức thì, cuộc gọi điện thoại, email hoặc thậm chí thông qua thẻ bắt đầu bằng # trên bài đăng của họ, như chúng ta đã thảo luận trước đó. Với những điều này, bạn có thể kết nối khách hàng của mình với những cá nhân có cùng chí hướng và tạo mối quan hệ sâu sắc hơn giữa họ và thương hiệu.

Hơn nữa, việc xây dựng một cộng đồng trực tuyến có thể chứng minh là có lợi cho ROI của công ty bạn. Đại dịch đang diễn ra cũng cho thấy rõ tầm quan trọng của cộng đồng trực tuyến vào thời điểm mà mọi người hiếm khi ra ngoài mua sắm (Theo Higher Logic, 2020)

4. Kể những câu chuyện nhỏ cho những khoảnh khắc nhỏ

Chúng ta đã từng chứng kiến sự lên ngôi của Instagram đến từ việc cho phép người dùng đăng những Câu chuyện (Story) có độ dài 15 giây và giờ đây là một phút. Đó là bởi Instagram đã cho phép mỗi người được chia sẻ những "micro-moment" - khắc khắc nhỏ trong đời sống hàng ngày, thay vì phải đăng tải một trạng thái "status" trên Facebook.

Sự ra đời của TikTok, YouTube Shorts, Instagram Reels cho thấy khoảng thời gian chú ý của mọi người ngày càng ngắn lại. Sự ưa chuộng thông tin ở dạng video ngắn, hình ảnh thông minh (infographic) đã xác minh cho một xu hướng sắp tới mà người làm thương hiệu không nên bỏ lỡ: Kể những câu chuyện nhỏ (Telling micro-story). Thương hiệu thậm chí chỉ có vài giây để thu hút và giữ chân công chúng. Điều này có thể được thực hiện rất hiệu quả bằng cách kể những câu chuyện ở tầm vi mô.

Nhiều người chọn tin rằng: Một thương hiệu phải xây dựng được tình yêu của người tiêu dùng, còn Byron Sharp - tác giả cuốn How Brands Grow lại có quan điểm khác: Chẳng cần gọi là tình yêu thương hiệu, thực tế là nhà làm chiến lược phải tập trung vào 2 mục tiêu: Sự hiện diện lý tính (Physical availability) - khách hàng đi đâu cũng gặp được thương hiệu, và sự hiện diện cảm tính (Mental availability) - Chiếm lĩnh sự ưu tiên trong lòng người tiêu dùng khi họ phát sinh nhu cầu mua hàng. 

Nhưng dù có giải thích theo hướng nào, có lẽ cả hai ý kiến đều đúng. Ở một số bối cảnh nhất định, với những nhóm khách hàng nhất định, thương hiệu cần thể hiện mình với một dáng vẻ hấp dẫn, mới mẻ, đầy cảm hứng để đạt được mục tiêu về quảng bá và kinh doanh.

Trên hành trình đó, những nhà làm truyền thông thương hiệu có thể phát huy hết năng lực sáng tạo của mình trong một năm mới với đầy cơ hội.

Lượt xem: 90
Tác giả: Phạm Thị Thu Hằng - CEO 5S Media
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...