Các ngân hàng bơm bao nhiêu vốn cho lĩnh vực bất động sản?

Theo NHNN, tín dụng bất động sản hiện chiếm khoảng 18-20% trong tổng dư nợ nền kinh tế. Con số này tương đương với quy mô khoảng 600.000 - 670.000 tỷ đồng.

Theo số liệu được đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố mới đây, tính đến tháng 11/2021, tăng trưởng tín dụng bất động sản tăng 12% so với năm 2020.

Cũng theo lãnh đạo NHNN, tín dụng bất động sản hiện chiếm khoảng 18-20% trong tổng dư nợ nền kinh tế. Trong cơ cấu tín dụng bất động sản, cho vay mua bất động sản để sử dụng chiếm 68%, còn lại là kinh doanh bất động sản.

Như vậy, với dư nợ cho vay toàn nền kinh tế vào cuối năm 2021 đạt hơn 10,4 triệu tỷ, ước tính dư nợ cho vay đối với lĩnh vực bất động sản nằm trong khoảng 1,87 – 2,08 triệu tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản là khoảng 600.000 - 670.000 tỷ đồng.

Mặc dù chưa công bố số liệu cả năm, nhưng báo cáo tài chính quý III cho thấy dư nợ cho vay đối lĩnh vực bất động sản ở một số ngân hàng đã tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm 2021.

Tại Techcombank, dư nợ cho vay doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng 9 tháng đầu năm đạt hơn 130.000 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước và chiếm đến 40% tổng dư nợ của ngân hàng. Nếu tính cả các khoản vay cá nhân mua nhà, dư nợ cho vay liên quan đến bất động sản của ngân hàng này có thể lên tới 74% tổng dư nợ.

Cho vay lĩnh vực bất động sản của VIB cũng tăng đến 35,6% so với cùng kỳ năm trước và tăng 17,6% so với đầu năm, đạt 80.000 tỷ đồng, chiếm 42% tổng dư nợ của ngân hàng.

VPBank cũng là ngân hàng mạnh tay cho vay cá nhân mua nhà trong năm 2021. Tính đến ngày 30/9/2021, dư nợ cho vay cá nhân mua nhà ở, quyền sử dụng đất ở của là gần 49.050 tỷ đồng, tăng gần 35% so với cuối năm trước và chiếm 15,6% tổng dư nợ tín dụng. Cho vay kinh doanh bất động sản đạt hơn 35.762 tỷ đồng, giảm nhẹ, nhưng vẫn chiếm 11,27% tổng dư nợ tín dụng.

Tại MSB, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản và xây dựng tăng 46,3% trong 9 tháng đầu năm 2021 đạt gần 23.850 tỷ đồng. Qua đó kéo tỷ trọng cho vay hai mảng này tăng từ mức 20,53% hồi đầu năm lên 24,34% tổng dư nợ cho vay MSB vào cuối quý III.

Tương tự, TPBank cũng cho vay thêm gần 1.600 tỷ đối với lĩnh vực bất động sản và xây dựng trong 3 quý đầu năm 2021, tương đương tăng 10,2%. Tại thời điểm 30/9/2021, dư nợ cho vay của TPBank đối với hai ngành nghề này đạt hơn 17.200 tỷ, chiếm 12,94% tổng dư nợ. Riêng cho vay để kinh doanh bất động sản tăng 21,5% so với cuối năm 2021 và chiếm 7,41%.

Tại Kienlongbank, dư nợ cho vay mảng bất động sản và xây dựng vào cuối quý III/2021 đạt gần 5.000 tỷ, tăng 36% so với cuối năm 2020. Với tổng dư nợ cho vay chỉ nhích nhẹ 0,59%, tỷ trọng cho vay đối với hai lĩnh vực này đã tăng mạnh từ 10,5% lên 14,3%.

Ngân hàng Bản Việt cũng ghi nhận tăng trưởng cho vay lĩnh vực bất động sản ở mức hai chữ số. Cụ thể, đến cuối tháng 9/2021, ngân hàng này cho vay 6.965 tỷ, tăng 23% so với với cuối năm 2020 và chiếm 15,5% tổng dư nợ. Trong khi cho vay mảng xây dựng giảm 11,3% xuống còn 6.245 tỷ.

Siết tín dụng vào lĩnh vực bất động sản

Ngay từ đầu năm 2022, lãnh đạo NHNN đã nhiều lần cho biết sẽ tiếp tục kiểm soát chặt tín dụng vào lĩnh vực bất động sản.

Trong Chỉ thị 01 mới được ban hành, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp…

Nói rõ hơn tại Họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2022, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, đối với bất động sản và trái phiếu, chứng khoán của các doanh nghiệp có biểu hiện chưa lành mạnh, hệ thống ngân hàng không những không tăng thêm vốn vào những lĩnh vực rủi ro này mà còn tăng cường kiểm soát chặt chẽ.

Theo Phó Thống đốc, đối với lĩnh vực bất động sản nhà ở phục vụ nhu cầu tiêu dùng chính đáng, NHNN vẫn sẽ ưu tiên và tạo điều kiện. Còn những bất động sản mang tính đầu cơ hoặc thuộc dự án lớn có độ rủi ro cao vẫn sẽ được giám sát chặt chẽ.

''Chúng tôi sẽ có biện pháp giám sát chặt chẽ dòng tiền tín dụng chảy sang lĩnh vực bất động sản'', Ông Tú cho hay.

Không chỉ siết vay vốn, Thông tư 16 mới được NHNN ban hành mới đây và chính thức có hiệu lực từ ngày 15/1 quy định chặt chẽ về việc mua bán trái phiếu của các tổ chức tín dụng. Đây được xem là chiếc van hạn chế và kiểm soát dòng vốn từ ngân hàng chảy vào bất động sản qua kênh trái phiếu doanh nghiệp.

Theo kết quả điều tra xu hướng tín dụng mới được NHNN thực hiện, các TCTD dự kiến tiếp tục "thắt chặt" mạnh hơn với lĩnh vực cho vay có rủi ro cao như "đầu tư kinh doanh chứng khoán", "đầu tư kinh doanh bất động sản" và "sử dụng thẻ tín dụng" trong nửa đầu năm 2022.

Lượt xem: 160
Tác giả: Theo Quốc Thuỵ
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...