Các doanh nghiệp lớn đầu tư vào Lâm Đồng, bất động sản hưởng lợi
Hậu Covid-19, bất động sản Lâm Đồng dần trên đà hồi phục mạnh mẽ, trở thành điểm sáng thu hút đầu tư của khu vực Tây Nguyên, thị trường này tiếp tục nóng lên khi nhiều doanh nghiệp lớn bất ngờ đổ bộ.
Lâm Đồng từ lâu đã trở thành điểm đến lý tưởng của khách du lịch trong và ngoài nước. Không ngoa khi ví rằng, nơi đây chính là "xứ sở sương mù" huyền bí của Việt Nam với khí hậu ôn hoà dễ chịu, qua cảnh quan thiên nhiên thơ mộng và di sản kiến trúc phong phú. Mặt khác, Lâm Đồng còn sở hữu điểm cộng lớn về vị trí địa lý khi chỉ cách TP.HCM khoảng 6 tiếng đi xe, một điểm đến hoàn hảo để đổi gió cuối tuần hay tránh cái nắng gay gắt nơi nội thành.
Có lẽ nhờ tầm quan trọng của du lịch, thế nên ngay khi dịch bệnh vừa được kiểm soát, thị trường bất động sản Lâm Đồng đã liên tục gặt hái những kết quả tích cực, đồng thời thu hút hàng loạt nhà đầu tư rót tiền về đây.
Điểm mặt những doanh nghiệp lớn đang rót vốn vào Lâm Đồng
Ngày 27/01/2022, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có quyết định phê duyệt danh mục dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 với tổng cộng 142 dự án đầu tư được chấp thuận, mở đường cho công cuộc xây dựng diện mạo mới của bất động sản Lâm Đồng.
Ngay sau đó, hàng loạt doanh nghiệp lớn đã rục rịch tìm hiểu cơ hội và phát triển nhiều dự án tầm cỡ khiến cho thị trường bất động sản địa phương nóng hơn bao giờ hết. Làn sóng đầu tư này đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Nếu không tính những dự án có quy mô vừa và nhỏ thì chỉ trong 7 tháng đầu năm 2022, ước tính trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã có đến 17 dự án với sức ảnh hưởng lớn, có thể kể đến như:
Ý tưởng hình thành dự án Quần thể vui chơi giải trí làng Châu Âu tại khu vực hồ thủy điện Đồng Nai 2, huyện Di Linh và huyện Lâm Hà với quy mô lên đến 18.000 ha do Liên danh CTCP Tập đoàn Đầu tư Tài chính Việt Nam, CTCP Thương mại Ngôi Nhà Mới và CTCP Tập đoàn Đầu tư ISRAEL khảo sát, nghiên cứu tài trợ kinh phí lập quy hoạch và đăng ký đầu tư.
Hay mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có công văn giao cho Sở Xây dựng phối hợp nghiên cứu đề xuất của Công ty CTCP Vietstar Đà Lạt JSC về việc nghiên cứu khảo sát, tài trợ kinh phí lập ý tưởng quy hoạch tại TP Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm với quy mô 12.300 ha.
Lý giải nguyên nhân
Sức hấp dẫn của thị trường bất động sản Lâm Đồng trước hết là do xu hướng du lịch nghỉ dưỡng và sở hữu ngôi nhà thứ hai đang dần nở rộ. Là nguồn động lực mạnh mẽ thôi thúc các dự án bất động sản sinh thái xanh phát triển. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 vừa qua cũng là "đòn bẩy" thúc đẩy sự dịch chuyển đầu tư này.
Ngoài ra, việc giá đất tại Lâm Đồng "ấm nóng" một phần cũng là do sự chuyển mình rõ rệt về hạ tầng, nhất là giao thông, trong đó công lớn phải kể đến sự góp mặt của tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương với tổng chiều dài lên đến 200,3 km.
Song song với đó, tỉnh cũng đang triển khai một số dự án, công trình trọng điểm giai đoạn 2021 – 2025 với 16 công trình trọng điểm. Trong đó, có 7 công trình trọng điểm tiếp tục triển khai đầu tư của giai đoạn 2016 – 2020 và 9 công trình mới.
Bất động sản liền kề hưởng lợi
Việc hàng loạt doanh nghiệp bất động sản đua nhau đổ bộ về Lâm Đồng đã khiến giá đất tại một số địa phương tăng mạnh, nhất là những khu vực còn nằm ở giai đoạn đầu của biểu đồ giá như Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà và đặc biệt là Lộc An (Bảo Lâm).
Ghi nhận cho thấy, trong quý II/2022, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 19.669 giao dịch đất nền thành công qua công chứng với giá trị lên đến 21.283 tỷ đồng. Song song với đó, toàn tỉnh cũng đã có 1.113 giao dịch nhà ở riêng lẻ thành công qua công chứng (Theo báo cáo về giá bán và cho thuê nhà ở của Sở Tư Pháp tỉnh Lâm Đồng vào quý II/2022).
Theo dự báo của các chuyên gia, trước tình trạng quỹ đất sạch tại các thành phố lớn ngày càng thu hẹp, hạ tầng Lâm Đồng ngày càng phát triển thì giá trị bất động sản của tỉnh cũng sẽ tịnh tiến theo thời gian.