7 công ty lớn phá sản trong 48 giờ, làn sóng vỡ nợ vì sức ép lãi suất cao dâng lên ở Mỹ

Nước Mỹ đang ở trong tình trạng khan hiếm tín dụng – thứ lây lan rất nhanh và nhanh chóng vùi dập những công ty có nhiều nợ.

Cách đây vài năm, Vice Media vẫn là “con cưng” của giới truyền thông. Công ty này được định giá hơn 6 tỷ USD, có những series phim tài liệu chất lượng được chiếu trên HBO. Và công ty này được hưởng lợi rất lớn, lượng độc giả tăng đột biến nhờ những phát ngôn giật gân của cựu Tổng thống Donald Trump (khi đó vừa nhậm chức). Thời điểm đó là vào năm 2017.

Vice đã nhận được rất nhiều khoản đầu tư lớn. Quỹ PE TPG rót vào đây 450 triệu USD. Ông trùm truyền thông James Murdoch mua cổ phần của Vice lần đầu năm 2019 và sau đó đã có nhiều lần tăng đầu tư, trong đó có khoản 135 triệu USD năm 2021.

Disney cũng đầu tư 400 triệu USD vào Cie năm 2015.

Còn ở hiện tại, Vice lại vừa gây chấn động khi phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chapter 11 với các khoản nợ lên đến 1 tỷ USD.

Vice không đơn độc. 6 công ty lớn khác của Mỹ vừa tuyên bố phá sản chỉ trong 48 giờ, lập kỷ lục nhiều vụ phá sản nhất trong 1 thời gian ngắn như vậy kể từ năm 2008 theo thống kê của Bloomberg trên các công ty có ít nhất 50 triệu USD nợ phải trả.

Lý do khá rõ ràng: các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dù được thiết kế để hạ nhiệt lạm phát nhưng lại gây ra gánh nặng rất lớn cho các doanh nghiệp. Nước Mỹ đang ở trong tình trạng khan hiếm tín dụng – thứ lây lan rất nhanh và nhanh chóng vùi dập những công ty có nhiều nợ.

Trên tất cả các ngành, doanh nghiệp đang chật vật đối phó với lãi suất cao, thứ khiến họ khó có thể tiếp cận nguồn vốn trong khi sức ép từ các nhà đầu tư và chủ nợ thì ngày càng lớn.

Ngoài Vice còn có Envision Healthcare Corp, công ty hoạt động trong lĩnh vực y tế được hậu thuẫn bởi quỹ đầu tư KKR nổi tiếng. Vừa mới huy động được hơn 1 tỷ USD vốn mới trong năm ngoái nhưng hồi giữa tháng 4 Envision đã không thể thanh toán lãi suất coupon trái phiếu.

Bên cạnh đó là công ty an ninh Monitronics International Inc., nhà sản xuất hóa chất Venator Materials Plc, công ty dầu mỏ Cox Operating LLC, công ty cung cấp thiết bị phòng cháy Kidde-Fenwal và Athenex, 1 công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Tất cả đều có chung 1 điểm: nợ quá lớn (trong nhiều trường hợp lên đến 1 tỷ USD).

Tất nhiên nộp đơn phá sản không có nghĩa là doanh nghiệp sẽ chết. Thông thường các cổ đông sẽ mất trắng nhưng các công ty sẽ có cơ hội để tái cơ cấu nợ để hồi sinh với 1 bảng cân đối kế toán khỏe mạnh hơn. Tuy nhiên làn sóng phá sản vẫn gióng lên hồi chuông báo động về sức khỏe nền kinh tế Mỹ.

Dữ liệu từ Moody’s cho thấy làn sóng phá sản chỉ mới đang bắt đầu. Hãng xếp hạng tín dụng này dự báo đến tháng 3/2024, tỷ lệ vỡ nợ trong nhóm các công ty có trái phiếu bị xếp hạng đầu cơ (speculative-grade debt) sẽ tăng lên mức 4,9% - gần gấp đôi so với mức 2,9% ở thời điểm cuối quý I/2023.

Một hãng khác là S&P Global dự đoán tỷ lệ vỡ nợ của nhóm này sẽ chạm mức 4% vào cuối năm nay, cao hơn nhiều so với con số 1,7% của cuối năm 2023.

Nhìn kỹ hơn vào các vụ phá sản của những doanh nghiệp tư nhân chưa niêm yết, vấn đề còn nghiêm trọng hơn. Theo UBS, tính đến đầu tháng 4 số công ty tư nhân nộp đơn phá sản thậm chí còn cao hơn thời kỳ đầu đại dịch.

Xét theo từng nhóm ngành cụ thể, lĩnh vực tài chính đang đứng trước nhiều áp lực sau vụ sụp đổ của ngân hàng SVB và sau đó nhiều định chế khác cũng theo chân SVB. Trong lĩnh vực bán lẻ, một số cái tên đình đám như Bed Bath & Beyond hay David’s Bridal đã phá sản trong vài tuần gần đây.

Lượt xem: 10
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...