"Gà vàng" chưa đẻ trứng của Thế giới di động: Bách Hoá Xanh lỗ luỹ kế 7.000 tỷ, An Khang lỗ hơn 300 tỷ và MWG Cambodia lỗ hơn 600 tỷ
Từ khi thành lập đến nay, các chuỗi này chưa có lãi trong năm nào.
Theo con số mà MWG báo cáo, các chuỗi Bách Hóa Xanh, An Khang và Thế giới di động Cambodia liên tục lỗ nên không có lãi để chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo.
Bách Hoá Xanh lỗ thuế luỹ kế hơn 7.000 tỷ đồng
Đối với Bách Hóa Xanh, các khoản lỗ tính thuế của chuỗi này tăng liên tục từ 2016 đến 2020, giảm xuống 966 tỷ vào năm 2021 nhưng tăng vọt lên 2.744 tỷ vào năm 2022. Tổng lỗ thuế 7 năm từ khi thành lập của Bách Hóa Xanh đã gần 7.200 tỷ đồng.
Dữ liệu chúng tôi có được, lỗ thực tế của Bách Hóa Xanh từ 2016 – 2021 có sự chênh lệch nhỏ so với lỗ tính thuế, nhưng luôn lớn hơn lỗ tính thuế.
So với trước khi thực hiện tái cấu trúc, doanh thu trung bình/cửa hàng/tháng trong quý 4 đạt 1,37 tỷ đồng – tăng 45% với quý 1/2022 và lợi nhuận trực tiếp (EBIT) tại cửa hàng đã chuyển từ âm sang dương 2%-3%. EBITDA tại cửa hàng ở mức 7-8%.
Năm 2023, Bách Hoá Xanh đặt mục tiêu đạt điểm hoà vốn toàn chuỗi vào cuối quý 4/2023.
MWG Cambodia lỗ thuế luỹ kế 605 tỷ đồng
Thế giới di động chính thức "thâm nhập" thị trường Campuchia vào năm 2017 với chuỗi điện thoại BigPhone có mô hình tương tự thegioididong.com tại Việt Nam. Tháng 6/2020, chuỗi này đã được đổi tên thành Bluetronics, mở rộng địa bàn hoạt động từ PhnomPenh sang các tỉnh khác.
Ông Đoàn Văn Hiểu Em - CEO Thế Giới Di Động từng cho biết, doanh thu của chuỗi Bluetronics ước đạt 500 tỉ đồng trong năm 2021. Nếu không bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Bluetronics đã có thể đạt tới điểm hòa vốn ngay trong năm 2021. Khi đó, lãnh đạo công ty vẫn đặt mục tiêu hồi vốn và có lời ở chuỗi này vào năm 2022.
Tuy nhiên, báo cáo tài chính cho biết, Thế giới di động tại Campuchia cũng lỗ thuế liên tục từ 2017 đến nay, trong đó năm 2021 và 2022 lỗ lớn nhất với 187 tỷ đồng và 330 tỷ đồng.
Chuỗi nhà thuốc An Khang trong năm 2022 cũng nhanh chóng ghi nhận lỗ thuế 306 tỷ đồng, luỹ kế từ 2019 đến nay là gần 320 tỷ đồng.
Nhà thuốc An Khang có 500 cửa hàng đang hoạt động (giảm gần 20% so với cuối năm 2021). Trên thị trường chuỗi bán lẻ dược phẩm hiện nay, cơ cấu sản phẩm của các chuỗi có sự khác biệt. Nếu như Pharmacity có tỷ lệ sản phẩm không phải thuốc (chăm sóc cá nhân, chăm sóc sức khỏe, chăm sóc sắc đẹp, mẹ và bé) chiếm lên đến hơn 70%, thì tại Long Châu, tỷ trọng thuốc là 70-80%. An Khang hiện cân bằng giữa hai nhóm.
Nhận diện được khó khăn, Thế giới di động đã dừng kế hoạch chạy đua mở rộng chuỗi An Khang. Ông Đoàn Văn Hiểu Em cho biết sẽ không chạy theo số lượng cụ thể mà tính toán một cách thận trọng, tập trung vào chất lượng để đảm bảo lợi nhuận, EBITDA dương.
Theo chia sẻ, doanh thu trung bình 1 cửa hàng An Khang là 350-400 triệu đồng. Nếu đạt doanh thu trung bình khoảng 450-500 triệu đồng với biên lợi nhuận gộp đang có là 22%, mức doanh thu 500 triệu đồng có thể giúp chuỗi này đạt hòa vốn và thậm chí có lời.
Hồi đầu năm 2022, An Khang đặt mục tiêu 800 cửa hàng.