Tháo gỡ các rào cản, tạo thuận lợi tốt nhất cho phát triển khoa học - công nghệ
Trước yêu cầu về khoa học và công nghệ của xã hội ngày càng cao, đặc biệt là các hoạt động liên quan đến đổi mới sáng tạo, các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia đã và đang được triển khai hiệu quả. Các nhà khoa học cũng đang được tạo điều kiện thuận lợi để cống hiến cho khoa học nước nhà.
Nhiều công trình khoa học đã ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, tính đến quý III-2024 đã có 26 chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt thực hiện đến năm 2030; trong đó có 15 chương trình khoa học và công nghệ (KC), 5 Chương trình Khoa học xã hội và nhân văn (KX) và 6 Chương trình khoa học mới chưa có mã số.
Tại Lễ công bố và Hội thảo khoa học: Chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam (KC.16/24-30), ông Đào Ngọc Chiến, Giám đốc Văn phòng các Chương trình trọng điểm (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, các Chương trình KC được phê duyệt đều mang tính ứng dụng cao, phục vụ sản xuất và đời sống thực tiễn. Tính đến quý III-2024, các chương trình KC đã tạo ra 469 loại sản phẩm; 384 giải pháp, quy trình công nghệ; 90 cơ sở dữ liệu/ bộ số liệu; 60 phần mềm các loại. Các nhiệm vụ của Chương trình KX đóng góp trực tiếp hoặc cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính sách, xây dựng cơ chế của các tổ chức. Đặc biệt, khoảng 40% đề tài đã được kiến nghị cho cấp Đảng và Nhà nước và 80% đề tài cho cấp bộ, ngành, địa phương.
Nhiều nội dung nghiên cứu, làm chủ và chuyển giao công nghệ, giải pháp công nghệ hình thành từ các công nghệ số/ Ảnh minh họa: VĂN PHONG |
Theo ông Đào Ngọc Chiến, thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt danh mục nhiệm vụ để tuyển chọn thực hiện 19 chương trình, đặt hàng thực hiện 298 nhiệm vụ. Theo đó, các đề tài nghiên cứu thuộc chương trình có khả năng ứng dụng cao. Nhiều nội dung nghiên cứu, làm chủ và chuyển giao công nghệ, giải pháp công nghệ hình thành từ các công nghệ số như: Trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, phân tích dữ liệu lớn, chuỗi khối, thực tế ảo/thực tế ảo tăng cường, điện toán đám mây… Các nhiệm vụ này đã tập trung nghiên cứu, ứng dụng, phát triển và chuyển giao một số công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mà Việt Nam có lợi thế, để tạo ra các sản phẩm trong sản xuất - kinh doanh và dịch vụ.
Trong lĩnh vực y tế, các công nghệ đã bước đầu ứng dụng trong hỗ trợ phục hồi chức năng vận động trên người bệnh đột quỵ não; hỗ trợ tầm soát trước sinh cho một số bất thường bẩm sinh hay gặp ở Việt Nam; theo dõi, giám sát tư vấn thông minh về dinh dưỡng cho người Việt Nam và một số nhóm người bệnh; hỗ trợ chẩn đoán và dự báo dịch tễ địa không gian bệnh lao phổi bằng X - quang ngực; hỗ trợ chẩn đoán tổn thương đường tiêu hóa trên bằng hình ảnh nội soi…
Ở lĩnh vực nông nghiệp, với việc ứng dụng công nghệ chuỗi khối, phân tích dữ liệu lớn, Internet vạn vật, các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã góp phần phát triển nền nông nghiệp chính xác của Việt Nam.
Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, các chương trình nghiên cứu quá trình chế tạo được robot thông minh hình dáng giống người, hỗ trợ dạy tiếng Anh trong trường tiểu học với nhiều tính năng nổi bật cũng như sự tương tác giữa thiết bị và học sinh, giúp học sinh phát huy khả năng tự tin trong giao tiếp.
Đối với ngành công nghiệp chế biến chế tạo, các chương trình nghiên cứu chế tạo hệ thống in 3D bê tông kích thước lớn ứng dụng trong ngành xây dựng; xây dựng hệ thống kiểm tra, giám sát tình trạng vận hành và cảnh báo sớm sự cố của các thiết bị và đường dây tải điện 110KV trên cơ sở ứng dụng trí tuệ nhân tạo và xử lý dữ liệu lớn…
Lĩnh vực phòng, chống thiên tai có các công trình chế tạo, tích hợp hệ thống nhiều robot bay tự hành, dùng trong thám sát môi trường, tìm kiếm-cứu nạn, cứu hộ. Nghiên cứu xây dựng hệ thống cảnh báo ngập cho thành phố lớn dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo và hệ thống tin địa lý, ứng dụng cho Thành phố Hồ Chí Minh…
Cần có những chính sách ưu tiên khuyến khích đối với những vùng, miền, địa phương
Về việc chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu đối với các chương trình khoa học công nghệ quốc gia, ông Đào Ngọc Chiến cho biết: “Khi triển khai các chương trình khoa học công nghệ, các nhà khoa học đều mong muốn đi đến đích, đạt được kết quả tốt đẹp; tuy nhiên, không thể loại trừ những trường hợp có nhiệm vụ khi bắt tay vào làm mới thấy khó, thấy vướng, không đạt được như mong muốn”.
Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách theo hướng tháo gỡ các rào cản, tạo thuận lợi tốt nhất cho phát triển khoa học - công nghệ. Ảnh minh họa: VĂN PHONG |
Ông Đào Ngọc Chiến, Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước đã có hướng dẫn rõ ràng về cơ chế xử lý rủi ro trong nghiên cứu. Theo đó, trong trường hợp các nhiệm vụ không hoàn thành vì nguyên nhân khách quan thì nhiệm vụ đó sẽ được thanh toán những nội dung chi tiêu hợp lý và được Hội đồng chấp nhận. Kinh phí chưa sử dụng phải trả lại cho Nhà nước. Trong bão số 3, nhiều nội dung trong Chương trình khoa học công nghệ quốc gia về bảo tồn gen đã bị thiệt hại. Với những nội dung này, chủ nhiệm các đề tài cũng sẽ được đánh giá tiêu chí thực hiện với lý do khách quan từ thiên tai.
Đánh giá về nguồn nhân lực cho các chương trình khoa học công nghệ quốc gia, ông Đào Ngọc Chiến cho rằng, nguồn nhân lực có khả năng tham gia nghiên cứu nhiệm vụ cấp quốc gia ở các vùng, miền, địa phương có sự khác nhau rõ rệt nên cần có những chính sách ưu tiên khuyến khích đối với những vùng, miền, địa phương.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, thời gian qua, Bộ tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách theo hướng tháo gỡ các rào cản, tạo thuận lợi tốt nhất cho phát triển khoa học - công nghệ, tính toán đến phương án rủi ro trong nghiên cứu khoa học. Cùng với đó, các cơ chế phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước đối với các nhiệm vụ khoa học - công nghệ cấp quốc gia đã được hoàn thiện, đảm bảo tinh gọn, hiệu quả.
Đến nay, các thông tư quản lý các nhiệm vụ khoa học - công nghệ cấp quốc gia đang dần hoàn thiện, trong đó có các hướng dẫn xây dựng dự toán thực hiện nhiệm vụ khoa học - công nghệ sử dụng ngân sách; sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định quản lý nhiệm vụ khoa học - công nghệ cấp quốc gia; quy định chi tiết một số nội dung về thu hút, sử dụng và trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học; quy định tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ quốc gia sử dụng ngân sách...