Thanh toán điện tử lên ngôi

Bối cảnh dịch bệnh đã góp phần thay đổi góc nhìn, sự lựa chọn của nhiều người đối với thói quen mua sắm online, thanh toán điện tử. Đây cũng là lý do tiền mặt không còn là phương thức thanh toán được ưa chuộng nhất tại nhiều quốc gia, đặc biệt là Saudi Arabia.

Theo báo cáo mới công bố của Ngân hàng Trung ương Saudi Arabia (SAMA), lần đầu tiên thanh toán điện tử đã vượt qua giao dịch bằng tiền mặt tại quốc gia vùng Vịnh trong năm 2021. Cụ thể, trang Arab News cho hay, số lượng giao dịch sử dụng hình thức thanh toán điện tử đã tăng đáng kể, đạt 62% vào năm 2021 trên tổng số các giao dịch được thực hiện, so với con số 44% của năm 2019.

Về giá trị, số giao dịch sử dụng hình thức thanh toán điện tử chiếm tới 94% giá trị các khoản thanh toán được thực hiện trong tất cả các lĩnh vực và hoạt động kinh tế của Saudi Arabia.

Tính thuận tiện là tiêu chí hàng đầu khiến nhiều người tiêu dùng ưa thích phương thức thanh toán điện tử. Ảnh: Getty Images 

Báo cáo của SAMA nhằm đo lường và phân tích sự phát triển của thị phần thanh toán điện tử so với tất cả hình thức thanh toán khác trong nhiều lĩnh vực. Theo báo cáo, khu vực chính phủ đã gần như chuyển hoàn toàn sang các hình thức thanh toán điện tử khi tỷ lệ của hình thức thanh toán này chiếm hơn 99% tổng giao dịch mà chính phủ thực hiện để chi trả cho các đối tượng thụ hưởng khác nhau.

Đối với khu vực doanh nghiệp, tỷ lệ thanh toán điện tử là 84% vào năm 2021, so với con số 51% của năm 2019. Trong khi đó, tỷ lệ thanh toán điện tử của các cá nhân là 57% vào năm 2021 và 36% vào năm 2019.

Nghiên cứu do SAMA thực hiện nằm trong khuôn khổ một trong những mục tiêu của Chương trình Phát triển khu vực tài chính (FSDP) của Saudi Arabia. Chương trình FSDP có mục tiêu đưa Saudi Arabia trở thành một trong những quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ tài chính (FinTech) với Riyadh là trung tâm FinTech toàn cầu. FSDP cũng tìm cách thúc đẩy việc sử dụng các giải pháp thanh toán kỹ thuật số để chuyển đổi Saudi Arabia thành một xã hội không dùng tiền mặt.

Đây là kết quả của chính sách được Saudi Arabia triển khai từ năm 2019. Quốc gia này đặt mục tiêu 70% các hoạt động giao dịch tài chính sẽ được thực hiện qua hình thức thanh toán điện tử vào năm 2030 và tiến tới trở thành một xã hội không sử dụng tiền mặt.

Đây cũng là một phần trong Chương trình cải cách “Tầm nhìn 2030” của Saudi Arabia nhằm cải thiện hình ảnh đất nước, củng cố các hoạt động kinh tế và đầu tư, tăng cường thương mại quốc tế phi dầu mỏ, trong đó có kế hoạch giúp quốc gia Trung Đông này chuyển đổi từ phụ thuộc mạnh vào giao dịch tiền mặt trong mua sắm và dịch vụ sang sử dụng các phương thức thanh toán điện tử.

Thực tế, không riêng tại Saudi Arabia, thanh toán không dùng tiền mặt đã trở thành xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế thương mại toàn cầu. Dù đại dịch Covid-19 đang dần khép lại, cuộc sống của hầu hết người dân cũng đã trở lại trạng thái bình thường nhưng không vì thế mà nhiều người bỏ thói quen thanh toán điện tử.

Theo một báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới, tính đến năm 2021, có 76% người trưởng thành trên toàn cầu đã có tài khoản ngân hàng, ví điện tử hoặc tài khoản điện thoại di động, tăng từ 68% vào năm 2017 và 51% vào năm 2011.

Điều quan trọng là tốc độ tăng này được phân bổ đồng đều ở các quốc gia khác nhau. Đây là minh chứng cho thấy, Covid-19 thực sự đã trở thành đòn bẩy quan trọng trong việc thúc đẩy nhanh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, tiến tới một xã hội không tiền mặt tại nhiều quốc gia.

Có rất nhiều lợi ích mà thanh toán không dùng tiền mặt mang lại, như: Hạn chế lượng tiền mặt trong lưu thông hàng hóa, giảm chi phí xã hội, mở rộng không gian, rút ngắn thời gian cho quá trình bán và mua hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế...

Trong số đó, tính thuận tiện luôn là tiêu chí hàng đầu trong sự ưa thích của người tiêu dùng đối với các phương thức thanh toán kỹ thuật số, tiếp theo là an toàn, tránh lây nhiễm dịch bệnh và bảo mật giao dịch.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để người dân tăng cường sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt sau khi đại dịch khép lại, các quốc gia cần có chiến lược một cách chi tiết, triển khai các kế hoạch giám sát đồng bộ, từ bảo đảm an ninh mạng cho tới khuyến khích người dân thay đổi thói quen, tuyên truyền để họ nhận thấy lợi ích của việc duy trì các hình thức thanh toán này.

NGỌC HÂN

Lượt xem: 88
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...