Tăng cường các giải pháp ngăn ngừa tội phạm sử dụng công nghệ cao đối với người lao động

Thời gian qua, cùng với sự phát triển của khoa học-công nghệ thì các hình thức tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng trở nên khá phổ biến, dưới nhiều hình thức tinh vi. Một trong những đối tượng chúng thường nhắm đến là đoàn viên công đoàn, công nhân (viết chung là người lao động).

Làm thế nào để giúp người lao động (NLĐ) phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời những hành vi lừa đảo của các loại tội phạm này đang là bài toán đặt ra với các cơ quan chức năng và tổ chức công đoàn các cấp...

Tỉnh táo nhận diện các chiêu trò lừa đảo

Chỉ với một cú nhấp chuột trên Facebook hoặc một số trang mạng đã hiện ra lời mời hấp dẫn: Cần tuyển nhân viên làm việc part-time với mức thu nhập hấp dẫn; hoặc công việc nhẹ nhàng, lương chuyển trong ngày... Bị hấp dẫn bởi lời mời, nhiều người đã đăng nhập các đường link và chuyển tiền đặt cọc làm tin. Ở trường hợp khác, lợi dụng nhu cầu cần vay tiền để giải quyết những vấn đề cấp bách trong cuộc sống, nhiều NLĐ đã mắc bẫy tín dụng đen vay qua app với những thủ đoạn tinh vi.

Lý giải tại sao NLĐ dễ bị “sập bẫy” bởi các chiêu trò này, theo đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Nhiều năm qua, do tác động của dịch Covid-19, đời sống một bộ phận NLĐ còn khó khăn; tình trạng thiếu đơn hàng, thiếu việc làm, mất việc làm dẫn đến giảm thu nhập. Lợi dụng điều này, tội phạm đã đánh trúng tâm lý, nhu cầu của NLĐ và tấn công với nhiều hình thức, thủ đoạn hết sức tinh vi.

Đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao quà tặng người lao động tỉnh Cần Thơ nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Ảnh: PHONG LINH

Trong báo cáo nghiên cứu “Vấn đề tín dụng đen trong công nhân, lao động-Thực trạng và giải pháp” do Viện Công nhân và Công đoàn thực hiện khảo sát năm 2023 cho thấy, có đến 54,8% số NLĐ phải đi vay tiền, 20,2% vay tín dụng đen. Phần lớn đối tượng vay là lao động nam giới trong loại hình doanh nghiệp ngoài nhà nước, tập trung nhiều ở khu vực phía Bắc và phía Nam. Có tới 78,1% số công nhân, NLĐ vay tín dụng đen cho biết, họ vay để lo sinh hoạt phí cho gia đình, thuê nhà trọ.

Tại Hội thảo “Xây dựng môi trường an toàn, nâng cao chất lượng sống cho đoàn viên, NLĐ” do Báo Lao động tổ chức mới đây, Thiếu tá Lê Anh Tuấn, Phó trưởng Phòng 5, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) phân tích, các đối tượng lừa đảo qua mạng thường nghiên cứu xu hướng, thị hiếu và nhu cầu của “con mồi”. Bên cạnh đó, chúng còn tinh vi xây dựng các kịch bản, phương thức phạm tội chuyên nghiệp, hoạt động có tổ chức, triệt để lợi dụng công nghệ cao phục vụ hoạt động phạm tội, khiến NLĐ mất cảnh giác.

Đồng tình với phân tích của Thiếu tá Lê Anh Tuấn, nhiều ý kiến cho rằng, đối tượng lừa đảo thường đánh vào tâm lý của nạn nhân, chúng sẽ đưa ra những tình huống làm khơi dậy lòng tham hoặc nỗi lo sợ của nạn nhân. Ví dụ, chúng đưa ra các tình huống khó có thể xác minh như người thân đang bị tai nạn cấp cứu, tài khoản ngân hàng của nạn nhân bị khóa, trúng giải độc đắc, việc nhẹ lương cao... để có thể thao túng tâm lý nạn nhân trong thời gian ngắn. 

Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo hiện đang có xu hướng lừa đảo theo nhóm nạn nhân cụ thể. Các đối tượng này sẽ thu thập thông tin khách hàng từ một số chương trình khuyến mãi, sau đó gửi tin nhắn yêu cầu khách hàng nhấp vào đường link web hoặc đưa thêm thông tin, sau đó sẽ sử dụng thông tin đó để xâm nhập vào tài khoản ngân hàng hoặc dùng thủ đoạn khác để chiếm đoạt tài sản của nạn nhân...

Không chỉ có tổ chức công đoàn vào cuộc

Để góp phần ngăn chặn, phòng ngừa tội phạm công nghệ đối với NLĐ, thời gian qua, công đoàn các cấp đã có nhiều giải pháp, biện pháp cụ thể, thiết thực. Tuy nhiên, vẫn có nhiều NLĐ trong các khu công nghiệp, khu chế xuất “sập bẫy” tín dụng đen, cũng như các phương thức lừa đảo trên mạng xã hội.

Đề xuất các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho NLĐ trong các khu công nghiệp, khu chế xuất ở Hà Nội, tại Hội thảo “Xây dựng môi trường an toàn, nâng cao chất lượng sống cho đoàn viên, NLĐ”, đồng chí Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho rằng: Một trong những giải pháp quan trọng giúp NLĐ phòng ngừa, ngăn chặn sự thâm nhập của các loại tội phạm là trước hết, công đoàn các cấp phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, giúp NLĐ có kiến thức, kỹ năng để phòng tránh, nâng cao cảnh giác với các loại tội phạm.

Đồng chí Nguyễn Đình Đức, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhấn mạnh, cùng với làm tốt công tác tuyên truyền, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần có kế hoạch mở rộng quy mô gói vay ưu đãi dành cho công nhân, NLĐ lớn hơn nữa.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hỗ trợ cấp nguồn vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi cho các tổ chức tài chính được chỉ định triển khai gói vay ưu đãi cho công nhân. Khi công nhân, NLĐ được tiếp cận rộng rãi với gói tín dụng ưu đãi sẽ góp phần “thu hẹp đất sống” của tội phạm tín dụng đen.

Quá trình khảo sát một số địa phương có đông NLĐ đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, chúng tôi thấy nhiều ý kiến thống nhất cho rằng, để giúp công nhân, NLĐ phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả hệ lụy của các loại hình tội phạm, nhất là tội phạm công nghệ, thì công đoàn các cấp đóng vai trò rất quan trọng.

Một trong những giải pháp căn cốt là tăng cường phối hợp với lực lượng công an đến các doanh nghiệp, khu nhà trọ tuyên truyền về kỹ năng, kiến thức phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, tố giác tội phạm, phòng, chống cháy, nổ, hoạt động của “tín dụng đen”... góp phần giáo dục, nâng cao ý thức tự phòng tránh, giữ gìn an ninh trật tự, giúp NLĐ cảnh giác với các loại tội phạm, không bị lôi kéo, sa vào các tệ nạn xã hội.

Cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, tổ chức công đoàn, NLĐ cần chủ động trang bị, nâng cao kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn, tỉnh táo sàng lọc thông tin, rèn kỹ năng kiểm chứng thông tin bằng nhiều nguồn...

VÂN ANH

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...