Ngoài công nghệ, chính sách sẽ quyết định tương lai của xe điện

Xu hướng xe điện, ôtô điện, xe buýt điện... ngày càng được ưa chuộng trên thế giới trong bối cảnh giá xăng dầu liên tục leo thang. Những lợi ích của xe điện đang góp phần thay đổi toàn diện cuộc sống như thân thiện với môi trường, an toàn, giảm thiểu tai nạn... Tại Việt Nam, Chính phủ đặt mục tiêu từ năm 2030, tỉ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh sẽ phải đạt tối thiểu 50%.

Thời gian qua, xe điện, bao gồm cả xe vận tải khách công cộng, đã có sự tăng trưởng mạnh về số lượng. Điều này cho thấy xu hướng rõ rệt xe điện sẽ dần thay thế xe xăng trong tương lai gần. Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải đặt mục tiêu từ năm 2025, toàn bộ các loại xe buýt thay thế, đầu tư mới sẽ phải là xe điện, xe sử dụng năng lượng xanh. Từ năm 2030, tỉ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh sẽ phải đạt tối thiểu 50%; riêng các loại xe taxi, toàn bộ xe thay thế, đầu tư mới cũng sẽ phải là xe điện, sử dụng năng lượng xanh.

 

 GS.TS Bùi Văn Ga - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: Đức Mạnh

Trao đổi với Báo Lao Động, GS.TS Bùi Văn Ga - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (chuyên gia ngành Động cơ ôtô và dung lượng tái tạo) - nhấn mạnh chính sách khuyến khích người dùng xe điện rất quan trọng. Các quốc gia trên thế giới đã làm tốt điều này để hỗ trợ chi phí xe điện, người dân sử dụng nhiều hơn nhằm giảm thiểu phát thải khí CO2.

Thứ hai, cần thêm chính sách về môi trường. Đặt ra các mức phát thải mà những loại xe xăng không thể đáp ứng được. Ví dụ hiện nay chúng ta chưa có lộ trình phát triển tiêu chuẩn khí thải Euro 6.

Thứ ba, chờ đợi Quy hoạch điện 8 sẽ quyết định điện tới từ nguồn nào, từ năng lượng tái tạo hay điện than, nhiên liệu hoá thạch. “Nếu sử dụng điện từ hoá thạch thì sẽ không có nhiều ý nghĩa bởi kể cả nơi sử dụng không phát thải khí ô nhiễm nhưng nơi sản xuất điện lại gây ô nghiễm. Bên cạnh đó, thuỷ điện cũng không phải giải pháp tối ưu bởi cần hy sinh rừng để làm hồ. Phát thải ròng (Net Zero) là phát thải CO2 nhưng phải hấp thụ lại. Thiếu cây, rừng mất đi khả năng hấp thụ CO2. Nếu chúng ta chuyển hoàn toàn sang điện mặt trời, điện gió… phối hợp cùng sử dụng xe điện thì hiệu quả sẽ rất cao. Đồng thời cũng nên đa dạng nguồn điện từ sản xuất hydrogen ở ngoài khơi rồi đem về, tránh quá phụ thuộc vào điện ắc quy” - ông Ga cho biết.

Theo vị chuyên gia, chuyển đổi sang đi xe điện đồng nghĩa công suất điện cần thiết sẽ rất lớn, gấp nhiều lần so với hiện nay. Việc có đủ năng lực sản xuất điện để đáp ứng hay không sẽ phụ thuộc vào chính sách của nhà nước về năng lượng lâu dài chứ không phụ thuộc vào công nghệ ôtô.

Do đó, ông Ga cho rằng, phải triển khai từng bước, từ sử dụng xe hybrid (ôtô kết hợp giữa điện và xăng) như một bước trung gian đến năm 2040. Khi đó hạ tầng điện phát triển đầy đủ rồi chuyển sang điện hoàn toàn hoặc hydrogen sẽ phù hợp.

“Chúng ta cũng không nên theo đuổi một mô hình nào trên thế giới vì mỗi quốc gia có điều kiện khác nhau. Nếu chưa đủ hạ tầng đáp ứng mà cứ triển khai thì sẽ gây rối loạn hạ tầng giao thông” - GS.TS Bùi Văn Ga nói.