Gỡ nút thắt cho nghiên cứu khoa học, công nghệ

Cơ chế kinh tế-tài chính cứng nhắc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, công nghệ (KHCN) đang là một nút thắt. Nhà khoa học khó tiếp cận nguồn lực, khó giải ngân vốn ngân sách, khó thương mại hóa các sản phẩm KHCN; doanh nghiệp thì khó tăng đầu tư vào KHCN. Vấn đề nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học chính là cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp với bản chất của nghiên cứu KHCN là có độ trễ, có rủi ro.

Ở các nước phát triển, mảng tài trợ của nhà nước cho nghiên cứu và phát triển (R&D) KHCN theo cơ chế quỹ. Tại Việt Nam, việc phân bổ và sử dụng ngân sách nhà nước cho nghiên cứu, phát triển KHCN vẫn theo kiểu bao cấp. Rồi nữa, việc cấp kinh phí cho các đề tài, dự án nghiên cứu KHCN được thực hiện chẳng khác gì những dự án đầu tư xây dựng cơ bản. Muốn nghiên cứu vấn đề gì phải lập dự toán, lập thuyết minh, phải được các cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, sau đó được lập thành danh mục, tổng hợp và đưa vào dự toán ngân sách nhà nước hằng năm rồi trình cấp có thẩm quyền thông qua thì năm sau mới được cấp kinh phí.

 Toàn cảnh Hội nghị thường niên và Hội thảo "Giải pháp thực thi chính sách cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ" ngày 23-9-2023 do Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức. Ảnh: TTXVN

Luật Ngân sách nhà nước quy định Nhà nước chỉ cấp kinh phí cho dự án nào đã làm đầy đủ thủ tục và được phê duyệt, năm nay chỉ xét cho năm sau, không có chuyện các nhà khoa học muốn nghiên cứu vấn đề gì là được cấp tiền ngay. Đây là bất cập rất lớn, khiến nhiều vấn đề nghiên cứu ứng dụng bị lỡ thời cơ, và khi bắt tay nghiên cứu thì không còn nhiều giá trị.

Cùng với đó, chính việc coi các đề tài nghiên cứu KHCN như các dự án đầu tư xây dựng cơ bản nên khi nghiệm thu phải y như các mục tiêu, chỉ tiêu, định mức kinh tế kỹ thuật đã vạch ra từ đầu. Kể cả khi kết quả nghiên cứu khác đi, vạch ra một hướng nghiên cứu mới đột phá hơn cũng khó được chấp nhận.

Tại các nước phát triển, đầu tư của doanh nghiệp cho nghiên cứu KHCN gấp nhiều lần đầu tư từ ngân sách nhà nước, nguồn đầu tư của doanh nghiệp dễ sử dụng hơn ngân sách nhà nước vì doanh nghiệp chỉ quan tâm kết quả nghiên cứu khi đặt hàng chứ không ràng buộc việc chi tiêu quá chặt chẽ như ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, ở Việt Nam, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp ràng buộc khiến doanh nghiệp cũng khó tăng đầu tư cho KHCN, ví dụ như quy định doanh nghiệp chỉ được trích lập Quỹ phát triển KHCN không quá 10% lợi nhuận trước thuế. Hơn nữa, toàn bộ kinh phí doanh nghiệp trích cho Quỹ phát triển KHCN phải thực hiện theo quy định của Nhà nước, từ nội dung chi, định mức chi, thủ tục chi... ngay cả ký hợp đồng nghiên cứu với các viện, trường cũng rất phức tạp. Vì vậy, hầu hết doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nhà nước đều không mặn mà trích lập quỹ, làm cho nguồn lực tài chính đầu tư cho KHCN vẫn bị hạn chế, không hoàn thành được mục tiêu chiến lược đến năm 2020 đầu tư xã hội cho KHCN phải gấp đôi đầu tư của Nhà nước.

Do đó, nên chăng cần tạo cơ chế thuận lợi hơn cho doanh nghiệp đầu tư vào KHCN, gỡ bỏ trần 10% lợi nhuận trước thuế nói trên theo triết lý nuôi dưỡng nguồn thu. Nếu doanh nghiệp cần đổi mới công nghệ, có thể dành tỷ lệ trích lập Quỹ phát triển KHCN cao hơn 10%, điều này sẽ ảnh hưởng tới việc thu thuế một vài năm nhất định, nhưng khi doanh nghiệp đổi mới về công nghệ có thể sẽ tạo ra doanh thu lớn hơn, Nhà nước sẽ thu thuế được nhiều hơn.  

HỒ QUANG PHƯƠNG 

Tags: công nghệ
Lượt xem: 7
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...