Để người dân thụ hưởng tối đa tiện ích chuyển đổi số

Ngày 22-4-2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 505/QĐ-TTg về việc lấy ngày 10-10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia.

Trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, bắt đầu từ những nhu cầu thiết thực trong cuộc sống hằng ngày của người dân, đưa hoạt động của người dân lên môi trường số. Vì vậy, người dân cần được coi là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực cho chuyển đổi số. Thực tế triển khai cho thấy, chuyển đổi số chỉ thành công khi được người dân hiểu, hưởng ứng, tham gia, người dân trở thành công dân số.

 Ảnh minh họa:VTC

Vậy làm thế nào để người dân dễ dàng tiếp cận cũng như tham gia vào quá trình chuyển đổi số?

Nhiều địa phương đã có câu trả lời bằng cách tạo ra những tiện ích trên nền tảng số, giúp người dùng dễ dàng tiếp cận, mang lại giá trị thiết thực. Chẳng hạn tỉnh Thừa Thiên Huế, địa phương đầu tiên trên cả nước phối hợp với Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia cấp phát thẻ kiểm soát dịch bệnh có mã QR quốc gia. Người dân có thể lựa chọn dùng thẻ giấy, thẻ nhựa (in ra mang theo người) hoặc sử dụng thẻ điện tử trên ứng dụng Hue-S. Đến nay, 100% người dân Thừa Thiên Huế đã được cấp thẻ kiểm soát dịch bệnh. Với chiếc thẻ trên, người dân sử dụng được mã QR quốc gia ở mọi lúc, mọi nơi.

Hay như Đồng Nai, trong ngày khai mạc Tuần lễ chuyển đổi số (10-10), tỉnh đã triển khai Mini app “Đồng Nai Smart” trên Zalo. Theo đó, chỉ với chiếc điện thoại có cài đặt ứng dụng Zalo, người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến; có thể góp ý, phản ánh, tra cứu hồ sơ, chủ động tương tác với chính quyền mọi lúc khi cần. Theo thống kê, hiện nay tại Đồng Nai có hơn hai triệu người dân sử dụng Zalo, việc sử dụng Mini app "Đồng Nai Smart" sẽ giúp người dân cũng như chính quyền địa phương tiết kiệm rất nhiều thời gian và chi phí so với những cách làm truyền thống.

Chuyển đổi số là một lộ trình dài hơi, tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức. Để chuyển đổi số thành công, trước hết cần phải có sự vào cuộc và hành động đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành. Trước mắt, cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tính cấp thiết của chuyển đổi số; quan tâm phát triển tổ công nghệ số cộng đồng ở các địa phương. Hiện nay 63/63 tỉnh, thành phố đã thành lập 76.905 tổ công nghệ số cộng đồng và 356.914 thành viên tham gia tổ công nghệ số cộng đồng ở cấp xã, thôn, phố. Tổ công nghệ số cộng đồng sẽ đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người sử dụng sản phẩm số, dịch vụ số. Hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương đòi hỏi phải đi vào thực chất, sát với nhu cầu của người dân.

Việc chuyển đổi số là cần thiết. Tuy nhiên, trên thực tế, khi đăng ký các dịch vụ qua cổng thông tin trên mạng, người dân lại đang gặp khá nhiều phiền toái do phần mềm, ứng dụng vẫn còn nhiều bất cập, giao diện khó tiếp cận, lỗi mạng, lỗi đường truyền. Do đó, trong quá trình triển khai thực hiện chuyển đổi số ở các địa phương, hạ tầng số phải được xem là yếu tố nền tảng cần được quan tâm, ưu tiên đầu tư sớm, bảo đảm sự đồng bộ, hiện đại. Chính quyền và các cơ quan chức năng cần đi đầu trong việc thay đổi nhận thức. Chuyển đổi số không phải là khẩu hiệu, càng không thể làm theo phong trào. Nó đòi hỏi đổi mới tư duy đi kèm với quyết tâm hành động. Có như vậy, chuyển đổi số mới mang tính toàn dân, toàn diện, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Lượt xem: 5
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...