Cần quan tâm gắn kết nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu thực trạng nhiều kết quả nghiên cứu chưa hoàn thiện về công nghệ, chưa có khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường. Gắn kết giữa nghiên cứu và ứng dụng đang là bài toán khó cần có lời giải để tạo sự phát triển thực chất cho ngành khoa học, công nghệ.
Tham gia phiên chất vấn tại Quốc hội, đại biểu Tạ Minh Tâm, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang cho biết, kết quả thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho thấy nhiều vấn đề cần quan tâm trong gắn kết nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đại biểu, liên kết giữa nghiên cứu và đào tạo, giữa nghiên cứu với thị trường, giữa nhà khoa học và doanh nghiệp còn yếu. Nhiều kết quả nghiên cứu có địa chỉ ứng dụng nhưng chưa chuyển giao được, chưa hoàn thiện về công nghệ và khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, chương trình khoa học, công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới qua giám sát, đến nay mới lựa chọn được nhiệm vụ khoa học, chưa ký hợp đồng, giao kinh phí thực hiện.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết giải pháp trọng tâm nhằm tạo đột phá trong thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng theo tinh thần của Chính phủ đã thể hiện khi xây dựng dự thảo Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp này.
Trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, đối với việc gắn kết giữa nghiên cứu và ứng dụng, trong thời gian vừa qua Bộ Khoa học và Công nghệ có chủ trương làm việc với các địa phương, các viện, các trường để có sự gắn kết giữa nghiên cứu khoa học của các trường và gắn với nhu cầu của địa phương. Bộ cũng đề ra chủ trương tất cả những nhiệm vụ khoa học mang tính ứng dụng đều phải có sự tham gia của các đội ngũ nghiên cứu khoa học ở các trường phối hợp với địa phương để cùng nhau xây dựng những chương trình nghiên cứu để giải quyết được những vấn đề, những yêu cầu bức thiết của địa phương.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng cho biết, về liên kết giữa các viện, trường và doanh nghiệp, đây là một mô hình mà ở nhiều nước ứng dụng rất có hiệu quả. Ví dụ như Hà Lan có mô hình gồm Nhà nước, doanh nghiệp và trường, viện. Nhà nước là nơi tạo môi trường, hệ sinh thái và thể chế. Trường, viện là nơi nghiên cứu. Doanh nghiệp là nơi thực hiện hoạt động đổi mới sáng tạo. Hiện nay, chúng ta cũng đang có chủ trương để xây dựng mô hình này trong hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ ở Việt Nam.
Về ứng dụng vào nông nghiệp, Bộ trưởng nêu rõ, trong thời gian qua, ngành khoa học, công nghệ có đóng góp rất quan trọng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo thống kê trong thời gian qua, khoa học, công nghệ đã đóng góp 30% trong sự phát triển của ngành nông nghiệp. Để liên kết giữa ngành khoa học với ngành nông nghiệp, vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có một ký kết phối hợp hoạt động giữa hai bộ để cùng triển khai các hoạt động khoa học, công nghệ và ứng dụng trong nông nghiệp, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trả lời tại phiên chấn vấn. |
Tại phiên chất vấn, đại biểu Trần Kim Yến (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, theo phản ánh của nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương, các thủ tục hành chính để triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học, công nghệ, kể cả việc thanh toán, quyết toán còn rườm rà, nhiều thủ tục và mất rất nhiều thời gian, công sức của các cơ quan, địa phương, đơn vị.
Đại biểu nhấn mạnh, cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính là một trong những vấn đề rất cần thiết khi thực hiện chính quyền điện tử. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng nêu rõ các giải pháp để giải quyết vấn đề trên.
Về vấn về cắt giảm thủ tục hành chính liên quan đến thanh quyết toán, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, hiện nay, việc chi tiêu thanh quyết toán các nhiệm vụ khoa học công nghệ phải tuân thủ Luật Kế toán, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đấu thầu.
Thời gian qua, dù đã có Thông tư liên tịch số 27 quy định về việc khoán chi trong thực hiện các nhiệm vụ khoa học, công nghệ, qua đó đơn giản hóa thủ tục kiểm soát chi của Kho bạc nhà nước, nhưng trách nhiệm kiểm soát chi lại giao cho các đơn vị quản lý kinh phí của các bộ, ngành, đơn vị chủ trì.
Nhà khoa học vẫn phải hoàn thiện các chứng từ thực thanh toán, thực chi hợp pháp cho các nội dung thanh toán, phải thực hiện các thủ tục liên quan đến đấu thầu, mua sắm, phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước về việc sử dụng ngân sách nhà nước.
“Điều này giải thích vì sao có lúc, hồ sơ thanh toán, quyết toán lại nhiều hơn hồ sơ khoa học của nhiệm vụ khoa học”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, về bản chất, trong khi hiệu quả hoạt động nghiên cứu có độ trễ, chưa được chứng minh ngay, sản phẩm của nhiệm vụ khoa học công nghệ còn có nhiều yếu tố vô hình, khó lượng hóa, đánh giá rõ ràng thông qua các chỉ tiêu kỹ thuật. Tuy nhiên, quan điểm của cơ quan nhà nước khi xem xét hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước vẫn gắn với việc kiểm soát tính đầy đủ của chứng từ chi tiêu. Trong thực tế, dù Kho bạc Nhà nước không thực hiện kiểm soát chi, nhưng khối lượng các chứng từ chi tiêu, đấu thầu, mua sắm mà tổ chức chủ trì phải lưu giữ để phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra gần như không thay đổi so với khi sử dụng phương pháp khoán chi từng phần.
"Để tháo gỡ những vướng mắc, bất cập này, hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ cần được áp dụng các cơ chế đặc thù hơn so với các nhiệm vụ chi khác từ ngân sách nhà nước. Nếu không làm được điều này thì sẽ khó có được cơ chế tài chính đơn giản, “cởi trói” cho các nhà khoa học trong việc thực hiện thanh toán, quyết toán các nhiệm vụ khoa học, công nghệ của mình", Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh.