An ninh mạng là “chiếc phanh” để chuyển đổi số nhanh, an toàn hơn

An toàn, an ninh mạng là nội dung được nhiều bạn trẻ quan tâm tại chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp mặt và đối thoại với thanh niên năm 2024, diễn ra sáng 26/3.

Nguy cơ mất an ninh mạng khoảng 35%

Bạn Nguyễn Thành Trung, Học sinh Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm đặt câu hỏi tại chương trình: Vấn đề bảo vệ dữ liệu và an ninh mạng hiện vẫn là thách thức lớn mà Việt Nam phải đối mặt. Theo thống kê, ước tính có đến 35% người dùng internet của Việt Nam có nguy cơ đối diện với các nguy cơ mất an ninh mạng, cao thứ 6 trên thế giới. Trong thời gian tới, Chính phủ có giải pháp như thế nào về vấn đề này để đảm bảo an toàn không gian mạng?

Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) Nguyễn Huy Dũng chia sẻ: “Tôi là cựu học sinh lớp 12 Toán 1 của Trường THPT Chuyên Đại học Sư Phạm, cựu sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội”.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng thanh niên

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng thanh niên

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết, an toàn an ninh mạng được coi là “chiếc phanh” của chiếc xe chuyển đổi số, không phải dừng chiếc xe này lại mà để chúng ta yên tâm đi nhanh và an toàn hơn.

Con số thống kê và bạn nêu ra là con số từ năm 2017, trong 3 năm vừa qua Việt Nam đã có những thay đổi và bước chuyển biến trong công tác đảm bảo an toàn an ninh mạng. Cụ thể, Liên Hợp Quốc đã xếp chúng ta vào 25 nước dẫn đầu trong số 193 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tuy nhiên việc phải làm rất nhiều, các giải pháp Thủ tướng đã chỉ ra rất rõ trong Chiến lược về an toàn an ninh mạng quốc gia.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì chương trình đối thoại

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì chương trình đối thoại

Trong đó có 2 điểm nổi bật, thứ nhất là 3 lực lượng chủ chốt để đảm bảo an toàn anh ninh mạng là Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ TTTT. Ba nhóm mục tiêu bảo vệ an ninh mạng là các hệ thống thông tin trọng yếu của các cơ quan Đảng, Nhà nước; các hệ thống thông tin của các cơ quan doanh nghiệp và người dân.

“Trong khuôn khổ hôm nay tôi xin chia sẻ về những giải pháp bảo vệ thông tin cho người dân trước những nguy cơ trên mạng mà Chiến lược an toàn an ninh mạng quốc gia đã chỉ ra. Đối với người dân, chiến lược đã chỉ ra 2 giải pháp quan trọng là: Chúng ta bảo vệ từ sớm, từ xa, từ lớp mạng, tức là ở đây là trách nhiệm của nhà mạng và các đơn vị cung cấp viễn thông, internet phải có trách nhiệm bảo vệ cơ bản cho người dùng.

Lớp thứ hai là bảo vệ thiết bị đầu cuối ở thiết bị, mỗi người chúng ta ngồi đây sử dụng cùng lúc sử dụng nhiều thiết bị khác nhau từ máy tính, ipad, điện thoại. Trên mỗi thiết bị như vậy sẽ có những công cụ bảo vệ trực tiếp chi thiết bị, chúng tôi gọi đó là bảo vệ lớp 2, lớp cơ bản”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nói.

Thứ trưởng

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng trả lời các bạn trẻ

Bộ TTTT đã cung cấp những tri thức thông tin về lớp bảo vệ này để người dân tự bảo vệ mình, chúng ta có thể truy cập vào địa chỉ www.khonggianmang.vn, tại đây sẽ tiếp nhận và giải đáp mọi thắc mắc của người dân về an ninh mạng, đồng thời cũng cung cấp các công cụ miễn phí để người dân tự bảo vệ mình.

Thứ trưởng Bộ TTTT chia sẻ: “Đó là hai nhóm giải pháp chính, chúng tôi cũng hi vọng thanh niên sẽ là lực lượng xung kích trên không gian mạng. Trước hết là chúng ta tự bảo vệ mình, sau đó là hướng dẫn bạn bè, người thân cùng được an toàn trên không gian mạng”.

Gắn lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể và quốc gia

Tiếp phần trả lời của Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, bình luận thêm về tư duy và phương pháp luận giải quyết vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng: Cái gì cũng có hai mặt, tích cực và hạn chế, một tiến bộ có thể đi đôi với những cản trở.

Thanh niên đặt câu hỏi tới Thủ tướng

Thanh niên đặt câu hỏi tới Thủ tướng

"Trong cuộc sống và tư duy, tôi mong các bạn trẻ luôn giữ được thăng bằng trong bất cứ trường hợp nào, dù thắng lợi hay thất bại, thắng không kiêu, bại không nản", Thủ tướng bày tỏ.

Đồng thời, đồng chí Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Chúng ta phải luôn đặt con người và sự vật trong sự vận động và phát triển; phải xem là việc bình thường khi có thuận lợi này thì sẽ kèm theo khó khăn khác, quan trọng nhất là phải vững tâm để xử lý các vấn đề đặt ra một cách có hiệu quả, trong cuộc sống cũng như công việc.

Cụ thể hơn về câu hỏi của bạn thanh niên, Thủ tướng cho biết: Thứ nhất, Chính phủ phải hoàn thiện thể chế để bảo đảm an ninh mạng; thứ hai là phân công các bộ ngành xử lý các vấn đề nếu có sự cố, như hôm qua có sự cố liên quan tới chứng khoán.

An ninh mạng là “chiếc phanh” để chuyển đổi số nhanh, an toàn hơn

Thủ tướng Chính phủ cùng các bạn trẻ

Thủ tướng Chính phủ cùng các bạn trẻ

Thủ tướng bày tỏ: "Tôi đã từng chia sẻ rằng phong trào thanh niên muốn "sống" được thì phải gắn lợi ích giữa cá nhân với lợi ích tập thể và lợi ích của đất nước. Tại sao phong trào "Ba sẵn sàng" ngày xưa lại có sức sống như thế? Vì phong trào này mang lại lợi ích hòa bình, thống nhất cho mỗi cá nhân và cho cả nước.

Tôi đã đề nghị Trung ương Đoàn tập trung triển khai 3 phong trào thanh niên: Phong trào học tập công nghệ thông tin; phong trào học tập ngoại ngữ (để vừa là công dân Việt Nam, vừa trở thành công dân toàn cầu); phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường.

Ba phong trào này vừa gắn bó với lợi ích của mỗi người, vừa gắn bó với lợi ích của cả quốc gia, tất nhiên chúng ta đặt lợi ích chung lên trên hết, trước hết và trong lợi ích chung thì có lợi ích riêng".

Lượt xem: 3
Tác giả: Lê Dung (Ảnh: Thành Trung)