Sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí để hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần

Hiện nay, số người rút BHXH một lần vẫn còn cao, theo chuyên gia, rút BHXH sẽ có những bất lợi, để giảm thiểu tình trạng này cần sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí để NLĐ tham gia vào hệ thống an sinh này.

Sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí để hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần

Bà Dung rút bảo hiểm xã hội một lần để mở cửa hàng tạp hóa. Ảnh: Mạnh Cường

Tham gia BHXH 18 năm, lương 600.000 đồng/tháng

Bà Phạm Thị Dung (66 tuổi, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, trước đây bà đóng bảo hiểm xã hội được 8 năm. Tuy nhiên, bà đã quyết định rút bảo hiểm xã hội một lần năm 52 tuổi để mở cửa hàng tạp hóa mưu sinh hàng ngày.

Lý do rút BHXH một lần được bà Dung chia sẻ là tính toán thấy mức hưởng lương hưu khá thấp. “Tôi có người thân tham gia BHXH 18 năm, về hưu năm 2010 chỉ được 600.000 đồng/tháng. Số tiền này rất thấp, chẳng hơn gửi tiết kiệm là mấy nên cuộc sống cũng khá chật vật nếu chỉ dựa vào đồng lương hưu. Tôi e ngại lương hưu của mình chẳng được là bao nên đã chọn rời hệ thống an sinh này” - bà Dung cho biết.

Ngoài ra, bà Dung cho hay, thời điểm đó rất khó khăn để kiếm được đồng tiền. Vì thế, nếu cố đi làm đến 55 tuổi, bà Dung cũng chỉ tích lũy được hơn gần 11 năm đóng BHXH.

Để đóng đủ số năm hưởng lương hưu trong khi không có thu nhập theo bà Dung là một thử thách rất lớn. Do vậy, theo bà Dung cần giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí.

Theo bà Nguyễn Thị Thơm (50 tuổi, Hà Nam), lý do rút bảo hiểm xã hội vì năng suất hàng ra chậm nên công ty yêu cầu nghỉ việc, không có thu nhập.

“Không đi làm không có tiền lương, hưởng hết trợ cấp thất nghiệp thì phải rút chế độ một lần” - bà Thơm nói.

Số người rút BHXH một lần ngày càng tăng

Ông Đỗ Ngọc Thọ - Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) - cho biết, theo số liệu thống kê, trong giai đoạn 2016-2023, toàn quốc có khoảng 6 triệu lượt người lao động (không bao gồm khối lực lượng vũ trang) đề nghị và được giải quyết BHXH một lần, số lượng năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình giai đoạn 2016 - 2022 là 9,9% năm; năm 2023 có 1,1 triệu người được giải quyết hưởng BHXH một lần, tăng 22% so với năm 2022.

“Đây là thực trạng đáng quan ngại” - ông Thọ cho hay.

Cũng theo vị trưởng ban, để giảm thiểu tình trạng rút BHXH một lần cần đẩy mạnh công tác truyền thông về những bất lợi khi nhận 1 lần. Nêu rõ lợi ích khi tích lũy thời gian đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng chế độ cao hơn trong tương lai - cũng chính là hình thức tiết kiệm an toàn do Nhà nước quản lý và bảo đảm lợi ích lâu dài khi về già nhằm khuyến cáo NLĐ không nhận BHXH một lần.

Mặt khác, cần tích cực truyền thông về các nội dung mới về bổ sung quyền lợi cho NLĐ trong Dự thảo Luật BHXH sửa đổi để người dân, doanh nghiệp, NLĐ thấy được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với chính sách BHXH, những nỗi lực của ngành BHXH Việt Nam trong việc đảm bảo an sinh xã hội cho người dân... Trong đó, nội dung về sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, bổ sung chế độ thai sản trong chính sách BHXH tự nguyện, trợ cấp hàng tháng đối với người sau độ tuổi nghỉ hưu nhưng không đủ thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu và cũng chưa đủ tuổi để hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.